Chủ nhật, 24/11/2024, 04:02[GMT+7]

Hơn 2,5 triệu người bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện

Thứ 2, 13/11/2023 | 14:46:26
3,794 lượt xem
Đây là thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2021 về số người bệnh đái tháo đường tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Tuy vậy, 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khoẻ mạnh.

Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi. Cứ một trong 3 người bệnh đái tháo đường có biến chứng bệnh thận-đái tháo đường.

Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh thận - đái tháo đường có thể phòng ngừa mù loà và giảm các hậu quả của đái tháo đường đối với người bệnh, gia đình và xã hội. Sàng lọc các biến chứng bệnh đái tháo đường là một phần quan trọng của quản lý bệnh hiệu quả, để bảo đảm sức khỏe tối ưu cho người bệnh.

Tại Việt Nam, có khoảng gần 4 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường (năm 2021). Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.

Bộ Y tế kêu gọi mọi người hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác. Cần biết nguy cơ, chủ động đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.

Phân loại bệnh đái tháo đường gồm có các type chính sau:

- Bệnh đái tháo đường type 1: có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc đái tháo đường type 1, cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin.

- Bệnh đái tháo đường type 2: phổ biến hơn ở người lớn và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp đái tháo đường. Khi mắc đái tháo đường type 2, cơ thể không sử dụng tốt lượng insulin mà nó tạo ra.

- Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết lần đầu tiên được phát hiện trong thời kỳ mang thai.


Theo vtv.vn

  • Từ khóa