Thứ 3, 23/07/2024, 09:32[GMT+7]

Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc

Thứ 3, 21/11/2023 | 11:15:55
2,682 lượt xem
Đây là chủ đề của Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ 18-24/11/2023 .

Ảnh minh họa.

Trong Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức FHI 360 và các đối tác tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Hà Nội. Thông qua Hội nghị, Bộ Y tế kêu gọi hành động từ các cá nhân, mọi thành phần trong xã hội và nền kinh tế, bao gồm cả sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường.

Kháng thuốc được WHO công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm năm 2021 mà thế giới phải quan tâm. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Khi nhiễm trùng, người bệnh có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh, thay vào đó, phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền khác. Thời gian bệnh tật và điều trị kéo dài hơn, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội.

Kháng thuốc đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.

Kháng thuốc cũng đang đe dọa những thành quả mà thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực chống lao, sốt rét, HIV và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trong những năm qua. Năm 2017, khoảng 558.000 trường hợp mắc lao đã kháng với rifampicin và 82% trường hợp kháng rifampicin là lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Các phác đồ điều trị lao đa kháng thường kéo dài, kém hiệu quả và đắt hơn nhiều so với phác đồ điều trị vi khuẩn lao chưa kháng. Dưới 60% ca bệnh lao đa kháng được điều trị khỏi .

Kháng thuốc HIV có thể là thách thức lớn với mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Theo ước tính của WHO, kháng thuốc ARV có thể gây ra thêm 135.000 ca tử vong, 105.000 ca nhiễm HIV mới tương ứng với 650 triệu đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới trên toàn cầu .

Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự đồng lòng trong việc "Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc".

Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc là thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế khác nhằm chống lại sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc. Chiến lược đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường giám sát, thúc đẩy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong y tế và nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của việc lạm dụng và sử dụng quá mức thuốc kháng vi sinh vật ở cả con người và động vật. Chiến lược này do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan thực hiện.

Chiến lược này là một bước quan trọng hướng tới việc làm chậm sự tiến triển kháng thuốc, vốn là một thực trạng mà Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày