Thứ 7, 10/08/2024, 00:25[GMT+7]

An toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể Nỗi lo bốn mùa

Thứ 3, 23/07/2013 | 08:39:38
1,062 lượt xem
Có xu hướng tăng trong những năm gần đây, ngộ độc thực phẩm tập thể đã và đang trở thành nỗi lo thường trực tại các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều lúc, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Khu bếp ăn tập thể Trường Mần non xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Ảnh: Vũ Mạnh

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 206 người mắc (trong đó có 3 vụ ngộ độc gia đình và 3 vụ ngộ độc tập thể). Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể chiếm 50% số vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra song số người mắc tại các vụ ngộ độc tập thể chiếm tới hơn 91% tổng số người bị ngộ độc thực phẩm.

6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (1 vụ tập thể, 2 vụ gia đình) với 86 người mắc trong đó riêng số mắc tại 1 vụ tập thể chiếm 80% tổng số người. Có xu hướng tăng trong những năm gần đây, ngộ độc thực phẩm tập thể đã và đang trở thành nỗi lo thường trực tại các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều lúc, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 125 bếp ăn tập thể ở 5 khu công nghiệp. Đợt kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể năm 2012 tại 66 doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy có 49 doanh nghiệp có bếp ăn và tổ chức nấu ăn tập trung; số bếp ăn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP là 89,6%. Đợt kiểm tra trong tháng 5/2013 tại 39 doanh nghiệp cho thấy 26 đơn vị có bếp ăn tập thể, 11 doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn cơm hộp, 2 doanh nghiệp cho công nhân tự mang cơm.

Theo đánh giá, nhìn chung việc bảo đảm các điều kiện ATVSTP tại các bếp ăn tập thể đã có nhiều chuyển biến. Các doanh nghiệp có bếp ăn tại chỗ đều có ý thức trong việc chấp hành các quy định về ATVSTP cho công nhân; các bếp ăn, nhà ăn công nhân đã từng bước cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm. 73% số bếp được thiết kế theo nguyên tắc một chiều (tăng 21% so với năm 2011); 77% doanh nghiệp bổ sung các biện pháp phòng chống côn trùng, động vật gây hại (tăng 30% so với năm 2011) và có 80% cơ sở tổ chức lưu mẫu thực phẩm theo quy định (tăng gấp 2 lần so với năm 2011).

Bữa ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Trần Lãm (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về ATVSTP cho bếp ăn tập thể, vẫn còn không ít các đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong 66 doanh nghiệp được kiểm tra năm 2012 có 14 doanh nghiệp không có bếp ăn, chỉ có nhà ăn và hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân; 3 doanh nghiệp không có nhà ăn, công nhân tự mang cơm hoặc ăn cơm hộp ngay tại nơi sản xuất. Đợt kiểm tra năm 2013 cho thấy số cơ sở có nhà ăn chưa đạt yêu cầu bảo đảm ATVSTP là 25%.

Đó là thực trạng tình hình bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp. Hiện nay, việc bảo đảm ATVSTP tại bếp ăn tập thể một số nơi tổ chức ăn đông người như bệnh viện, trường học cũng đang còn nhiều khó khăn. Là nơi ATVSTP cần được đặc biệt coi trọng, tuy nhiên việc quản lý ATVSTP tại bếp ăn tập thể trong các bệnh viện đang khá lỏng lẻo. Tới thời điểm này, chỉ có một số ít bệnh viện trong tỉnh có nhà ăn phục vụ ăn uống cho cán bộ bệnh viện và bệnh nhân. Phần lớn các cơ sở phục vụ ăn uống trong bệnh viện do cá nhân thực hiện theo hình thức đấu thầu mặt bằng với đơn vị để kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong số 17 cơ sở được kiểm tra năm 2012, chỉ có 2 cơ sở thuộc bệnh viện trực tiếp quản lý, 15 cơ sở do cá nhân đấu thầu. Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 3/17 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn lại 14 cơ sở chưa có hoặc có giấy chứng nhận ATVSTP nhưng đã hết hiệu lực. Cũng giống như các bếp ăn bệnh viện, thực trạng bếp ăn trường học cũng không sáng sủa hơn. Với hơn 300 trường học trong tỉnh tổ chức cho học sinh ăn bán trú, hiện chỉ có các trường mầm non là có nhà bếp còn hầu hết các trường học đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú theo hình thức hợp đồng cá nhân nấu ăn theo lớp. Phòng bệnh, lớp học cũng đồng thời là phòng ăn của bệnh nhân, học sinh đang là thực tế diễn ra ở khắp các bệnh viện, trường học trong tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, 100% các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong năm 2012 là do vi sinh vật. Vì vậy, thực hiện tốt các quy định về ATVSTP là điều kiện cơ bản phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Các vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Khu công nghiệp Phúc Khánh (Thành phố Thái Bình) tháng 9/2012 và tại Khu công nghiệp Tiền Hải xảy ra tháng 4/2013 đều do các doanh nghiệp không có nhà ăn hoặc nhà ăn không được bảo đảm các điều kiện vệ sinh.

Thực tế cho thấy, khi xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đông người đều để lại nhiều hậu quả. Bệnh viện bị quá tải, sức khỏe của người lao động, học sinh bị ảnh hưởng, sản xuất, học tập bị ngừng trệ… Bếp ăn tập thể là nơi có nhiều người ăn nhưng họ lại không phải là người có thể quyết định được sự an toàn trong bữa ăn của mình. Dinh dưỡng an toàn, hợp lý luôn là một trong những vấn đề quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho mỗi người. Đây cũng là điều kiện cơ bản cho sản xuất kinh doanh, học tập ổn định. Chính vì thế, việc quan tâm đến ATVSTP tại các bếp ăn tập thể cần được tuyên truyền mạnh đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, hoạt động này cần được tăng cường kiểm tra và giám sát từ phía các cơ quan chức năng nhằm phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày