Thứ 6, 22/11/2024, 03:23[GMT+7]

Thiếu bác sĩ - khoảng trống nhân lực cần lấp đầy Kỳ 2: Khó thu hút bác sĩ về cơ sở, vì sao?

Thứ 2, 11/12/2023 | 22:44:27
4,141 lượt xem
Thiếu bác sĩ tuyến cơ sở, các đơn vị y tế đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyển dụng, luân chuyển bác sĩ, chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế... Tuy nhiên, số lượng cán bộ tuyển dụng được còn thấp, chưa đủ như mong muốn, mới chỉ bù cho số nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác từ công sang tư. Vậy đâu là nguyên nhân khiến việc thu hút bác sĩ về cơ sở gặp khó khăn?

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Bình.

Số hồ sơ đăng ký dự thi bác sĩ thấp so với chỉ tiêu tuyển dụng

Ông Đàm Văn Tính, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế chia sẻ: Đợt tuyển dụng vừa qua, theo kế hoạch, ngành y tế Thái Bình cần tuyển dụng hơn 320 viên chức là bác sĩ đa khoa, kỹ thuật y, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, y tế công cộng, dược sĩ, kỹ sư và y sĩ đa khoa vào làm việc tại các đơn vị y tế tự chủ một phần và chưa tự chủ, chủ yếu là tuyển cho trung tâm y tế huyện, thành phố và trạm y tế. Tuy nhiên, chỉ có 300 hồ sơ đủ điều kiện dự thi. Số hồ sơ đăng ký dự thi y sĩ đa khoa, dược sĩ chiếm tỷ lệ cao song số hồ sơ đăng ký dự thi bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng lại thấp so với chỉ tiêu tuyển dụng. Kết quả, chỉ có 163 viên chức trúng tuyển, trong đó số bác sĩ tuyển dụng được là hơn 100 bác sĩ. Có trường hợp dù đã trúng tuyển, chưa có quyết định song đã xin rút.

Thiếu bác sĩ, chưa tuyển dụng đủ cộng thêm số bác sĩ đến tuổi về nghỉ chế độ hàng năm khiến cho bác sĩ cơ sở vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn. Qua số liệu tổng hợp của ngành y tế, tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc tại tỉnh Thái Bình có xu hướng tăng. Đáng lo ngại là có cả cán bộ, bác sĩ đã có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao xin nghỉ việc. Theo thống kê của ngành y tế, từ năm 2018 - 2023, toàn tỉnh có gần 690 người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, trong khi đó để đào tạo được đội ngũ nhân lực thay thế cần phải có thời gian dài. Vì sao bác sĩ chưa “mặn mà” về cơ sở, có sự dịch chuyển từ công sang tư?

Cơ chế đãi ngộ, điều kiện làm việc chưa phù hợp?

Ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cho biết: So với nhiều ngành, ngành y có thời gian đào tạo lâu hơn. Để có một bác sĩ đa khoa phải mất 6 năm đào tạo với kinh phí tốn kém, trong khi đó mức thu nhập của bác sĩ mới ra trường chỉ khoảng 5 triệu đồng, chưa trừ chi phí đóng các loại bảo hiểm... Nhân lực giảm, thiếu bác sĩ, nhất là cán bộ có kinh nghiệm gây khó khăn trong triển khai các kỹ thuật chuyên môn ở tuyến cơ sở, gây tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, dẫn đến quá tải cho y tế tuyến trên.

Sinh viên Tạ Vân Anh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: Học bác sĩ đa khoa 6 năm, dự định của em sau khi học xong đại học là tiếp tục đi học để nâng cao trình độ chuyên môn và muốn được va vấp thêm các mặt bệnh khó. Song, nếu chọn về làm việc y tế cơ sở, chúng em không được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh; không được học lâm sàng nhiều và khó tiếp cận được các kỹ thuật mới, chuyên sâu cộng thêm lương thấp nên nhiều bạn còn e dè. Bản thân em rất mong muốn được làm việc gần nhà. Do đó, khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ sở được cải thiện, chế độ đãi ngộ phù hợp em sẽ cân nhắc có nên về làm việc hay không?

Nguyên nhân khiến bác sĩ không “mặn mà” về cơ sở đã được ngành y tế chỉ ra như: chế độ đãi ngộ, thu nhập còn thấp, chưa tương xứng so với công việc đảm nhiệm, vị trí công tác, áp lực công việc, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khối lượng công việc lớn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất y tế, trang thiết bị y tế ở nhiều trạm y tế còn khó khăn, thiếu thốn khiến các bác sĩ trẻ có tâm lý lo ngại khi về làm việc tại cơ sở sẽ bị “mòn” chuyên môn chứ chưa nói đến chuyện phát triển, nâng cao trình độ. Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của bác sĩ. Vì thế, thay vì về các trạm y tế, nhiều bác sĩ mới ra trường và cả bác sĩ đang làm ở cơ sở y tế công lập lựa chọn đến làm tại các cơ sở y tế tư nhân để vừa có mức thu nhập cao hơn vừa được nâng cao năng lực chuyên môn.

“Vá” khoảng trống bằng giải pháp tạm thời, trước mắt

Trước bài toán thiếu nhân lực, nhiều đơn vị y tế đau đầu tìm giải pháp vừa để thu hút bác sĩ mới vừa giữ chân bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm. Việc chú trọng, quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ, nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thuận lợi là một trong những giải pháp đang được triển khai tích cực tại nhiều đơn vị. Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân đã có cơ chế tuyển dụng, tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi song là bệnh viện hạng 3, xa trung tâm, cộng thêm lương thấp, thu nhập tăng thêm ít nên chưa đủ sức thu hút bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng cũng đã đưa ra một số giải pháp tạm thời. Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Bệnh viện còn thiếu bác sĩ để bố trí vào các vị trí chuyên khoa như ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh... Khắc phục khó khăn trước mắt, chúng tôi đã ký hợp đồng với các bác sĩ là trưởng, phó khoa được nghỉ chế độ còn đủ sức khỏe tiếp tục ở lại làm việc; đồng thời, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ đi đào tạo nâng cao trình độ. Cán bộ, bác sĩ phải làm tăng ca, đi sớm, về muộn, có khi làm cả thứ bảy, chủ nhật. Còn tại các trạm y tế, giải pháp đưa ra là thực hiện luân chuyển bác sĩ từ trạm này sang trạm khác hoặc cử cán bộ Trung tâm Y tế huyện về hỗ trợ.

Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời, trước mắt. Vì số lượng bác sĩ không đủ, giải pháp luân chuyển cũng chỉ như cánh đồng thiếu nước, tưới được ruộng này thì ruộng khác lại khô. Do đó, cần phải song hành cả giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài để giữ chân những bác sĩ giỏi, bác sĩ có kinh nghiệm, đồng thời có cơ chế thu hút bác sĩ mới thì khoảng trống thiếu bác sĩ nhiều năm nay mới mong được lấp đầy.

Cơ sở vật chất Trạm Y tế xã Vũ Hoà (Kiến Xương) đã xuống cấp. 

(còn nữa)
Hoàng Lanh

Hoàng Minh Tâm - 5 tháng trước

Xuất phát từ đào tạo nguồn bác sĩ, cần phá bỏ rào cản và thu hút các nguồn lực tư nhân trong đào tạo bác sĩ để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu xã hội. Hiện nay, việc thiếu bác sĩ đang trở nên rất nghiêm trọng. Về các chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ đã khá tốt. Chỉ khi có sự phối hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, chúng ta mới có thể giải quyết được tình trạng này và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.

Tải thêm