Thứ 3, 23/07/2024, 04:36[GMT+7]

Bệnh án điện tử: Đột phá chuyển đổi số y tế

Thứ 3, 16/01/2024 | 09:00:26
6,129 lượt xem
Bệnh án điện tử là đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế. Mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai bệnh án điện tử được các bệnh viện trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình hướng dẫn người dân sử dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh.

Nhiều lợi ích từ BAĐT

Đến khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, chị Hoàng Thị Ánh Tuyết, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) thấy rất thoải mái vì không phải mang theo nhiều giấy tờ; thủ tục khám chữa bệnh cũng được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Chị Tuyết chia sẻ: Khi Bệnh viện triển khai bệnh án điện tử (BAĐT), tôi thấy rất thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng ở khu vực khám bệnh; không cần mang nhiều giấy tờ tùy thân như trước, kết quả lâm sàng, đơn thuốc có thể tra trên phần mềm; đồng thời người bệnh cũng tự quản lý được hồ sơ bệnh án của mình.

Việc triển khai BAĐT không chỉ mang lại những lợi ích cho người bệnh mà còn mang lại lợi ích cho cả bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, có ý nghĩa thực tiễn trong việc xây dựng y tế điện tử và chuyển đổi số. Bác sĩ Nguyễn Đình Phước, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình chia sẻ: Từ khi Bệnh viện triển khai BAĐT, việc truyền tải dữ liệu giữa các khoa, phòng nhanh chóng, chính xác; có thể tra cứu thông tin của người bệnh ở bất cứ đâu có internet; tránh những chỉ định cận lâm sàng trùng lặp không cần thiết, tối ưu hóa quy trình, giảm thủ tục hành chính để có thêm nhiều thời gian thăm khám, điều trị cho người bệnh.

Mỗi năm Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình có khoảng 10.000 - 12.000 hồ sơ bệnh án lưu trữ. Các bệnh án thường phải lưu trữ từ 10 - 20 năm. Số lượng hồ sơ bệnh án lớn không chỉ tốn kém chi phí giấy, mực mà còn phải dành các phòng để lưu trữ. Do đó, khi thực hiện BAĐT, Bệnh viện sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Ngoài ra, BAĐT còn cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Thông tin người bệnh minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Những kết quả bước đầu

Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, từ ngày 1/3/2019 các bệnh viện hạng I triển khai BAĐT thay bệnh án giấy. Đây là điều kiện quan trọng để các cơ sở khám chữa bệnh triển khai BAĐT theo lộ trình. Tại Thái Bình, Sở Y tế cũng đã xây dựng Kế hoạch số 35/KH-SYT, ngày 10/3/2023 về việc chuyển đổi số ngành y tế Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch triển khai các nền tảng số y tế trong quản lý chăm sóc sức khỏe người dân và hình thành kho cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện trực thuộc chuẩn bị các điều kiện để triển khai BAĐT. Theo đó, các bệnh viện xây dựng và triển khai phần mềm thông tin, số hóa các biểu mẫu của hồ sơ bệnh án, triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử cho nhân viên y tế và giải pháp ký điện tử cho người bệnh; đầu tư hạ tầng, thực hiện lưu trữ hồ sơ BAĐT theo quy định; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin... Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có Bệnh viện Nhi Thái Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình được thẩm định triển khai hồ sơ BAĐT và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đã có khoảng 80% điều kiện để triển khai hồ sơ BAĐT.

Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình cho biết: Bệnh viện đã triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, trong đó chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phân hệ phần mềm, nhân lực để triển khai BAĐT. Qua quá trình triển khai, chúng tôi từng bước xác định được mục tiêu, phạm vi triển khai trên toàn bệnh viện. Bên cạnh đó, tạo nhóm phân hệ phần mềm, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, lập kế hoạch đào tạo cho cán bộ và đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) thẩm tra. Sau khi Cục Công nghệ thông tin công nhận được phép triển khai BAĐT, từ ngày 1/1/2024, Bệnh viện đã triển khai BAĐT và sẽ duy trì, cập nhập, tiến tới trở thành bệnh viện thông minh, không dùng tiền mặt.

Tại một số bệnh viện hiện nay mới chỉ áp dụng BAĐT nhằm rút gọn hồ sơ bệnh án và thực hiện song hành việc lưu trữ hồ sơ BAĐT và hồ sơ bệnh án giấy. Ông Phạm Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy chia sẻ: Trong năm qua, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng hướng tới triển khai BAĐT trên phạm vi toàn bệnh viện. Về trang thiết bị, chúng tôi đã nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các khoa, phòng, cán bộ làm công tác chuyên môn. Hiện tại, các dữ liệu đã được nhập trên BAĐT. Dự kiến cuối năm 2024, Bệnh viện sẽ hoàn thành việc thực hiện BAĐT.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử trên phần mềm.

Phấn đấu BAĐT được triển khai ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh

Dù hiện nay trong quá trình triển khai BAĐT vẫn còn những khó khăn, tồn tại do BAĐT là vấn đề mới, các bệnh viện chưa có kinh nghiệm, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Một số bệnh viện chưa quyết liệt, còn chờ cơ quan quản lý cấp trên; kinh phí triển khai BAĐT còn hạn chế. Để triển khai BAĐT đòi hỏi nhân viên y tế phải thay đổi thói quen, quy trình, thao tác trên hệ thống nên đôi khi còn chậm... Ông Phạm Văn Giang Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy cho biết thêm: Trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn như: Hệ thống công nghệ thông tin dù đã được nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn kinh phí của đơn vị còn hạn hẹp; khi nhập dữ liệu sai khó thu hồi, sửa lại. Để giải quyết các khó khăn trên, giải pháp của Bệnh viện là tiếp tục nâng cấp trang thiết bị hệ thống công nghệ thông tin cũng như phần mềm khám chữa bệnh, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên để tiếp cận thực hiện BAĐT trong thời gian sớm nhất.  

Với sự nỗ lực của toàn ngành, Thái Bình quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mục tiêu ngành y tế đặt ra là các bệnh viện đẩy mạnh triển khai BAĐT, hướng tới không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí. Lộ trình giai đoạn từ năm 2024 - 2026, BAĐT sẽ triển khai tại các bệnh viện hạng I, II; giai đoạn từ năm 2027 - 2028, triển khai ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ngành y tế. Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ BAĐT theo đúng quy định; đồng thời yêu cầu các đơn vị triển khai việc đánh giá xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế Ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị dựa trên kết quả việc đánh giá xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin và căn cứ trên điều kiện thực tế, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai BAĐT.

Hồ sơ bệnh án giấy tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình sẽ được thay thế bằng hồ sơ BAĐT.


Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày