Thứ 7, 27/04/2024, 16:32[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Thứ 3, 27/02/2024 | 08:58:40
2,186 lượt xem
Năm 2023, với nỗ lực của toàn ngành, công tác y tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả, từ phòng, chống dịch, khám chữa bệnh (KCB), phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu đến các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Những kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác y tế năm 2023?

Ông Phạm Quang Hòa: Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, công tác y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, tình hình sức khỏe của nhân dân từng bước được cải thiện, nhiều chỉ số sức khỏe đạt ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Trong năm, Sở Y tế tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực tham mưu Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh xây dựng các kế hoạch, triển khai thực hiện công tác y tế hiệu quả. Ngoài việc tiếp nhận, xử lý hơn 20.000 văn bản, Sở Y tế đã ban hành gần 5.250 văn bản liên quan đến lĩnh vực của ngành; tổ chức thành công kỳ kiểm tra sát hạch xét tuyển viên chức; đồng thời, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính công, không để xảy ra tình trạng thủ tục hành chính bị quá hạn. Toàn ngành đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số lĩnh vực y tế, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.

Về hoạt động chuyên môn, công tác phòng, chống dịch được triển khai hiệu quả, các dịch bệnh được kiểm soát, không có diễn biến bất thường. Công tác dân số và phát triển, an toàn thực phẩm, y tế cơ sở được thực hiện hiệu quả. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ, tích cực. Một số chỉ tiêu chuyên môn về bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai... được đánh giá cao.

Song song với các chương trình y tế dự phòng, chương trình mục tiêu quốc gia lĩnh vực y tế, công tác KCB cũng đạt được những kết quả nổi bật. Chất lượng điều trị và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh ngày càng được nâng cao. Các chỉ số KCB thường quy tăng so với năm 2022. Cụ thể, tổng số lượt người đến khám bệnh đạt hơn 2,9 triệu lượt người, tăng 15,3%; số lượt điều trị nội trú tăng 10,7%; số ca phẫu thuật tăng 14,6% so với năm 2022. Công tác KCB, cấp cứu được thực hiện nghiêm túc ở các tuyến, kịp thời cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm. Mạng lưới KCB y học cổ truyền, phục hồi chức năng tiếp tục ổn định, phát triển. Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu tuyến trung ương được triển khai ngay tại tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, một trong những điểm đột phá của ngành là thực hiện chuyển đổi số, ông có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả chuyển đổi số của ngành và người bệnh được hưởng lợi gì từ chuyển đổi số y tế?

Ông Phạm Quang Hòa: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, phối hợp với một số sở, ngành tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai kho cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Thái Bình. Đến nay, các nội dung đang thực hiện theo đúng tiến độ.

Các cơ sở y tế trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt, bệnh án điện tử. Năm 2023 đã có hơn 159.800 lượt thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, ngành cũng đang triển khai mô hình KCB sử dụng QR code thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và VNeID. Hiện 100% đơn vị y tế đã triển khai thực hiện mô hình. Về bệnh án điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, chuyên môn, các đơn vị đã có nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện. 100% bệnh viện công lập và ngoài công lập có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, bảo đảm nhu cầu KCB, quản lý hồ sơ sức khỏe bệnh nhân, quản lý kho thuốc, vật tư, quản lý tài chính. Riêng Bệnh viện Nhi Thái Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã chủ động triển khai bệnh án điện tử, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy. Khi thực hiện chuyển đổi số, lợi ích mang lại không chỉ với cơ sở y tế, người quản lý, các bác sĩ, nhân viên y tế mà còn cả với người bệnh. Người bệnh có thể đăng ký KCB online, không phải xếp hàng đăng ký khám, không cần chờ đợi kết quả cận lâm sàng. Việc đăng ký khám trực tiếp không cần phải mang theo nhiều giấy tờ và có thể tra cứu nhanh được lịch sử bệnh.

Bệnh viện Nhi Thái Bình thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở cho bệnh nhi.

Phóng viên: Định hướng phát triển ngành y tế trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hòa: Về định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức mạng lưới, nhân lực y tế, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đầu tư đồng bộ cho đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh nhằm đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng và chuẩn quốc tế về phòng xét nghiệm an toàn sinh học phù hợp từng tuyến và điều kiện địa phương cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Ung bướu vào năm 2026; giai đoạn 2025 - 2030 thành lập Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung tâm Đột quỵ trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trực thuộc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Trung tâm Hồi sức sơ sinh thuộc Bệnh viện Nhi Thái Bình. Đến năm 2025 nâng hạng 4 bệnh viện đa khoa tuyến huyện từ hạng III lên hạng II. Tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu ở chuyên ngành ngoại, sản, nhi, chấn thương...

Về mạng lưới y tế cơ sở, sẽ xây dựng mô hình trạm y tế kiểu mẫu (2 trạm/huyện) triển khai thực hiện gói dịch vụ cơ bản theo nguyên lý y học gia đình nhằm giảm áp lực KCB cơ bản, bệnh không lây nhiễm cho tuyến trên.

Đối với hoạt động chuyển đổi số, sẽ thực hiện tin học hóa y tế cơ sở, giảm thiểu sổ sách ghi chép; thiết lập kho cơ sở dữ liệu để quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh để có thể triển khai quản lý, khai thác các nền tảng tư vấn, đăng ký KCB từ xa để nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lanh
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày