Thứ 5, 09/01/2025, 01:16[GMT+7]

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước diễn biến mới

Thứ 2, 25/03/2024 | 10:04:30
3,216 lượt xem
Trước sự gia tăng các ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Tại Thái Bình, dù chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại trong năm 2024 song nguy cơ xuất hiện ca bệnh vẫn luôn tiềm ẩn.

Người bị chó cắn được tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Quảng Bình, Bình Thuận, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình… Số ca tử vong do bệnh dại đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. 

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh tử vong do bệnh dại, qua kết quả phân tích 82 trường hợp tử vong do bệnh dại trên cả nước năm 2023 cho thấy, 81/82 trường hợp tử vong đều không tiêm vắc-xin điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn; có 1 trường hợp tiêm vắc-xin nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại. Việc không tiêm vắc-xin điều trị dại do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chủ quan cho rằng chó nhà cắn, thời điểm cắn chó bình thường; không có hiểu biết về bệnh dại hoặc dùng thuốc nam, đông y điều trị…

Từ đầu năm đến nay, Thái Bình chưa ghi nhận trường hợp mắc, tử vong do bệnh dại. Song, trước sự gia tăng số ca mắc, tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh, thành phố, để chủ động trong công tác giám sát, dự phòng, duy trì kết quả phòng, chống bệnh dại, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị y tế trong và ngoài công lập về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì công tác giám sát, phát hiện sự lưu hành mầm bệnh dại trên đàn vật nuôi, xử lý triệt để ổ dịch dại, nghi dại ngay khi phát hiện không để lây lan sang người; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng dại trên đàn chó mèo… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục cập nhật, theo dõi, giám sát chặt diễn biến tình hình dịch bệnh dại trên người và động vật trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận để tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; dự trù và bảo đảm khả năng cung ứng vắc-xin, huyết thanh kháng dại. Các cơ sở khám chữa bệnh điều tra dịch tễ, thực hiện tư vấn, hướng dẫn người bị động vật cắn về việc phơi nhiễm virus dại để tiêm vắc-xin, huyết thanh kịp thời, đầy đủ…

Mới đây, ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp nhận trường hợp đa chấn thương do bị chó nhà cắn. Bệnh nhân là ông Đ.H.C, xã Lê Lợi (Kiến Xương). Chỉ với hành động dậm chân, quát chó, ông Đ.H.C đã bị chó của gia đình tấn công, cắn vào hai chân và tay. Hậu quả, ông Đ.H.C bị đa chấn thương phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó, ông Đ.H.C đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng uốn ván. 

Ông Đ.H.C chia sẻ: Nhiều năm nuôi chó, tôi không ngờ lại bị chính chó của gia đình cắn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bị chó cắn. Dù chó của gia đình đã tiêm vắc-xin phòng dại năm ngoái nhưng tôi vẫn rất lo. Không thể chủ quan, ngay sau khi bị chó cắn, tôi đã đến cơ sở y tế để điều trị, tránh để sau này bị bệnh lại “giá như”. Hiện tôi đã nhốt chó lại để theo dõi.

Cũng trong sáng ngày 16/3, bà G.T.N, xã Hòa An (Thái Thụy) đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm huyết thanh phòng dại do bị chó nhà cắn. Bà G.T.N cho biết: Chó của nhà còn nhỏ, được khoảng 5kg, tôi cũng mới mua về. Chó bị quấn xích nên tôi lôi và gỡ ra, không may bị cắn. Vết thương tuy không nặng nhưng tôi vẫn chủ động đi tiêm cho đỡ lo.

Tại Thái Bình, theo thống kê số người bị chó, mèo cắn đến xử trí, điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ năm 2023 đến ngày 16/3/2024 là 1.015 trường hợp, trong đó gần 330 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại. Cũng trong thời gian trên, số liều vắc-xin dại được Trung tâm sử dụng tiêm là hơn 3.060 liều.

Truyền thông phòng, chống bệnh dại tại cơ sở y tế. 

Bác sĩ Trần Thị Gấm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn với tình trạng chấn thương khác nhau, có trường hợp bị những vết cắn phức tạp gây đa chấn thương ở đầu, mặt, cổ, lưng, ngực, tay, chân… Ngoài ra, cũng có ít trường hợp đến tiêm vắc-xin, huyết thanh trong tình trạng muộn do sự chủ quan nghĩ rằng chó còn sống, không bị bệnh hoặc sợ tác dụng phụ của vắc-xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã thông tin gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 5 - 10 ngày). Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân sau khi bị chó, mèo cào cắn cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày