Chủ nhật, 05/05/2024, 19:20[GMT+7]

Thái Thụy: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em thời điểm giao mùa

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:13:19
3,652 lượt xem
Thời tiết miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ mùa xuân sang mùa hè, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây ra các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như cúm các chủng, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em thời điểm giao mùa, huyện Thái Thụy tích cực triển khai các biện pháp.

Bệnh nhi đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy.

Gia tăng trẻ nhập viện thời điểm giao mùa 

Những ngày trung tuần tháng 4/2024, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thái Thụy luôn trong tình trạng đông bệnh nhân, chật kín 60 giường bệnh. Bác sĩ Phạm Thị Trang, Phó Trưởng khoa cho biết: Quý I/2024, số lượng bệnh nhi điều trị tại Khoa tăng hơn 20% so với quý I/2023. Theo thống kê, trong quý I/2024, Khoa Nhi có 2.200 bệnh nhân khám ngoại trú, nhập viện điều trị nội trú hơn 700 bệnh nhân. Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa 80% bị viêm phổi, ngoài ra một số cháu nhỏ bị sốt siêu vi, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân tăng là do thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm dẫn đến bị vi rút, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Trẻ mắc bệnh phần lớn dưới 5 tuổi, thậm chí có cả trẻ sơ sinh.

Chị Lê Thị Thảo, xã Mỹ Lộc đang chăm sóc bé Phạm Thái Khôi, 3 tháng tuổi tại Khoa Nhi cho biết: Trước khi nhập viện con tôi ho, sốt ba ngày không khỏi. Ban đầu tôi chỉ nghĩ cháu bị ốm thông thường nên tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, thấy tình trạng con mệt, bỏ bú, tôi đưa cháu nhập viện. Qua một tuần điều trị viêm phổi, tình trạng sức khỏe của cháu đã dần ổn định. 

Cũng điều trị viêm phổi tại Khoa Nhi, BVĐK Thái Thụy, bệnh nhi Nguyễn Ngọc Diệp, 6 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ, ho, quấy khóc. Qua thăm khám, xét nghiệm, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Hòa An, mẹ bệnh nhi chia sẻ: Cháu sốt cao và có hiện tượng khó thở nên tôi đưa cháu vào viện. Sau 5 ngày điều trị, cháu đã hết sốt, không còn hiện tượng khó thở, ho giảm dần. 

Bác sĩ Phạm Văn Giang, Phó Giám đốc BVĐK Thái Thụy cho biết: Thời điểm giao mùa, số bệnh nhi nhập viện gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng quá tải, chúng tôi đã bố trí thêm bác sĩ, điều dưỡng tăng cường từ một số khoa khác; bổ sung thêm phòng điều trị để hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép; thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh 

Trước tình trạng gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em như thủy đậu, sởi, tay chân miệng..., các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Thái Thụy đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cho trẻ được học tập trong môi trường an toàn. Bà Bùi Thị Ngà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hà, thị trấn Diêm Điền cho biết: Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 12 nhóm lớp với 484 học sinh. Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, nhà trường đã tham mưu UBND thị trấn và Trạm Y tế phun khử khuẩn bằng CloraminB và phun thuốc muỗi trong phòng học, bếp ăn, hành lang...; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng cho công tác phòng, chống dịch bệnh như xà phòng giặt, xà phòng rửa tay, nước lau sàn; thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học; phối hợp với phụ huynh học sinh chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ mỗi ngày, kịp thời phát hiện những trường hợp trẻ mắc bệnh để có biện pháp cách ly, tránh lây lan; xây dựng thực đơn bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, quý I/2024 Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy phối hợp với các trường khám sức khỏe 12.051 học sinh của 48 trường mầm non, 5.684 học sinh của 9 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1.187 học sinh của 3 trường trung học cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát huy vai trò của cán bộ y tế tuyến cơ sở trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa. 

Phun thuốc khử khuẩn phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Bác sĩ Trần Khánh Toàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Phong chia sẻ: Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trạm đã khám, điều trị 1.915 lượt người, trong đó có một số trường hợp trẻ mắc các bệnh về cúm, tay chân miệng, sởi, thủy đậu đã kịp thời điều trị, không để phát sinh ca bệnh thứ phát ra cộng đồng. Hiện địa phương có hơn 600 trẻ em dưới 5 tuổi, Trạm đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các thôn về công tác vệ sinh môi trường; thành lập tổ tự quản ở 10 thôn thực hiện khẩu hiệu 3 không “không có bọ gậy, không có muỗi, không có sốt xuất huyết”; phối hợp với các nhà trường phun khử khuẩn, ngoài ra Trạm phun hóa chất tiêu độc khử trùng 40 gia trại, khu vực chợ Hồ và chợ Đồng Hòa, 5 khu tập kết rác thải của địa phương. 

Ông Lê Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2024, huyện Thái Thụy ghi nhận 492 trường hợp mắc cúm, 26 trường hợp bị thủy đậu, 11 trường hợp bị quai bị, 699 trường hợp tiêu chảy, 11 ca sốt xuất huyết, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Trước thực tế đó, Trung tâm đã triển khai kế hoạch về phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kế hoạch tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi và côn trùng đến các xã, thị trấn; kiện toàn tổ giám sát chỉ số côn trùng, đội cơ động phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường, truyền thông giáo dục sức khỏe, duy trì các biện pháp giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở khám bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, kinh phí, địa điểm thu dung bệnh nhân, xử lý ổ dịch kịp thời không để lây lan; duy trì tiêm phòng cho trẻ, rà soát các trường hợp chưa được tiêm phòng đầy đủ, thông báo, đôn đốc gia đình cho trẻ đến tiêm, tiến hành tiêm bổ sung sớm. 

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế Thái Thụy đã phối hợp với 48 trường mầm non khám sức khoẻ 12.051 học sinh. 

Nguyễn Thắm 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày