Thứ 6, 22/11/2024, 08:14[GMT+7]

Trăn trở nhân viên y tế thôn, tổ dân phố

Thứ 7, 25/05/2024 | 20:12:30
4,692 lượt xem
Được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, nhân viên y tế thôn, tổ dân phố có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố trong tỉnh chủ yếu là người trung hoặc cao tuổi, kiêm nhiều nhiệm vụ; có những người không muốn trụ lại với nghề vì nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan đến chế độ phụ cấp thấp. Làm thế nào để giữ chân nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đang là bài toán khó, nhiều trăn trở của ngành y tế và các địa phương.

Nhân viên y tế thôn Bình An, xã Vũ Hội (Vũ Thư) thông báo lịch tiêm chủng cho gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.

Cánh tay nối dài của ngành y tế

Trước ngày tiêm chủng mở rộng (ngày 25) hàng tháng, bà Mai Thị Oanh, nhân viên y tế thôn Bình An, xã Vũ Hội (Vũ Thư) lại đến từng gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng của thôn để thông báo lịch tiêm. Công việc này đã gắn bó với bà suốt 25 năm qua. Bà Oanh chia sẻ: Trước khi thông báo lịch tiêm, chúng tôi đã rà soát, lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng để không bỏ sót trường hợp nào. Vào ngày tiêm, chúng tôi phối hợp với Trạm Y tế xã rà soát danh sách, hỗ trợ khám sức khỏe trước tiêm và theo dõi sau tiêm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm các nhiệm vụ như sơ cứu ban đầu, đo đếm các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, tuyên truyền người dân cách phòng bệnh và tham gia phòng, chống dịch bệnh... Công việc đa dạng, đôi khi cũng mất nhiều thời gian, nhất là thời điểm dịch Covid-19 phức tạp phải thường xuyên trực chốt, kiểm tra sức khỏe người cách ly nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, ngoài y tế thôn tôi còn kiêm thêm cộng tác viên dân số và làm công tác phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Lạnh, thôn Bình An, xã Vũ Hội cho biết: Gia đình có cháu nhỏ, nhiều khi không nhớ ngày tiêm, mũi tiêm. Nhờ có đội ngũ y tế thôn đến tận nhà thông báo nên không bỏ sót mũi tiêm nào, chúng tôi rất yên tâm.

Gần 70 tuổi, có hơn 30 năm làm công tác y tế thôn, ông Phạm Đức Quận, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) được biết đến là một người giàu kinh nghiệm trong nghề. Tuổi đã cao, công tác tại địa bàn cách trung tâm xã 5km nhưng ông vẫn nhiệt tình, hăng say với công việc. Ông Quận chia sẻ: Thôn Hải Long là thôn giáp biển. Số hộ dân trong thôn không đông như các địa phương khác nhưng lại xa trung tâm. Để tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về công tác y tế, dân số, nhiều khi tôi phải đến tận các gia đình thông báo lịch tiêm, quản lý thai sản, giám sát dịch bệnh... Từ đầu năm đến nay có một số ca sốt xuất huyết trên địa bàn xã nên chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền để nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiền Hải cho biết: Trong công tác y tế, nhất là y tế dự phòng, đội ngũ y tế thôn, tổ dân phố có vai trò rất quan trọng, cùng với lực lượng cán bộ nhân viên y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Không quản khó khăn, vất vả, nắng mưa, sớm tối, họ thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, giúp cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện hiệu quả.

Khó giữ chân người cũ, khó tuyển người mới

Hiện nay, mỗi thôn, tổ dân phố trong tỉnh đều có 1 - 2 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế lực lượng đông song nhiều người đã cao tuổi, trong đó có người phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Bà Mai Thị Oanh chia sẻ: So với ngày công thu nhập hiện nay, mức phụ cấp cho y tế thôn còn thấp. Bản thân tôi 25 năm công tác, hàng tháng nhận được 690.000 đồng (gồm cả phụ cấp cộng tác viên dân số). Mức thu nhập này chỉ bằng khoảng 3 ngày công lao động. May mà gia đình có buôn bán thêm nên tôi mới bám trụ được với công việc từng ấy năm.

Cũng như bà Oanh, do tuổi cao, đi lại vất vả nên có lần ông Quận đã xin nghỉ. Song chính quyền địa phương thường xuyên động viên, người dân tin tưởng nên ông tiếp tục gắn bó với công việc.

Tuổi cao, phụ cấp thấp khiến nhiều người không còn mặn mà với công việc. Khi có nhân viên y tế thôn xin nghỉ, các địa phương khó tìm được người thay thế, nhất là người trẻ tuổi. Bác sĩ Phạm Đức Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Hội chia sẻ: 9 thôn trên địa bàn xã hiện có 12 nhân viên y tế, trong đó 1 người đã được đào tạo sơ cấp y, còn lại đã được tập huấn. Y tế thôn là cánh tay đắc lực của Trạm Y tế xã để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay 2 y tế thôn đang muốn xin nghỉ mà chúng tôi chưa tìm được người thay thế. Trước kia có tìm được 1 người trẻ tuổi nhưng làm được 1 tháng họ xin nghỉ do phụ cấp thấp. Bản thân tôi rất mong có chế độ phụ cấp phù hợp cho y tế thôn để họ yên tâm gắn bó với công việc, đồng thời có nhiều lớp tập huấn hơn nữa giúp họ nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Theo Thông tư số 27/2023/ TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2023, tiêu chuẩn đối với nhân viên y tế thôn phải có trình độ chuyên môn, đào tạo đáp ứng một trong các tiêu chí: Hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định; có trình độ chuyên môn về y (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên. Với thực tế nhiệm vụ, việc đào tạo đối với y tế thôn là rất cần thiết. Song theo nhiều cán bộ trạm y tế, đây cũng là trăn trở và là khó khăn đối với việc tuyển dụng y tế thôn. Bởi hiện nay mức phụ cấp thấp đã khó tuyển, cộng thêm việc mất thời gian, chi phí đi học thì nhiều người lại càng không mặn mà lựa chọn công việc này; giữ chân đã khó, thu hút, tuyển mới lại càng khó hơn.

Y sĩ Trịnh Thanh Bình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Nguyên (Kiến Xương) chia sẻ: Đội ngũ y tế thôn kiêm cộng tác viên dân số ở 4 thôn trên địa bàn xã là 8 người, trong đó 7/8 người đã có trình độ sơ cấp. Tuổi đời bình quân của họ là 60 và đều là nữ. Nhiều năm qua, địa phương đã có chủ trương động viên khuyến khích đi học đối với nhiều người để sau khi đào tạo sẽ kế tiếp đội ngũ đã cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế rất khó khăn do chế độ phụ cấp thấp nên không có người đi học. Mong muốn của nhiều y tế thôn là được tăng phụ cấp để yên tâm công tác.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dịch Covid-19 là liều thuốc thử về lòng yêu nghề đối với nhân viên y tế nói chung, y tế thôn, tổ dân phố nói riêng song cũng thêm phần khẳng định vai trò quan trọng của những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công việc có những lúc vất vả song bằng tình yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, vượt qua tuổi tác, chế độ phụ cấp, nhiều y tế thôn vẫn gắn bó với công việc của mình. Niềm vui lớn nhất với họ là được góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Nhân viên y tế thôn (người đứng) hỗ trợ cán bộ Trạm Y tế xã Vũ Hội thực hiện công tác khám chữa bệnh.

Hoàng Lanh