Thứ 2, 30/12/2024, 03:28[GMT+7]

Bệnh truyền nhiễm mùa hè: Chủ động phòng, chống, tránh bùng phát, lây lan

Thứ 4, 29/05/2024 | 21:55:24
2,500 lượt xem
Mùa hè thường có những đợt nắng nóng kéo dài. Sự thay đổi nền nhiệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển gây ra các bệnh lý truyền nhiễm. Dù mới bước sang hè song tại một số bệnh viện trong tỉnh, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa hè.

Sau khi ăn cơm trưa cùng gia đình, bà Chu Thị Kim, xã Thống Nhất (Hưng Hà) có dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy liên tục. Gia đình đưa bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà. Tại đây, bà được chẩn đoán bị tiêu chảy, nhập viện theo dõi, điều trị. Bà Kim chia sẻ: Bữa trưa tôi ăn cơm có bầu luộc với trứng rán. Ăn xong một lúc tôi đau bụng, đi ngoài nhiều lần. Đến bệnh viện khám được chỉ định nhập viện theo dõi. Từ đêm qua đến giờ sức khỏe tôi đã ổn định hơn.

Cùng điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà có bệnh nhân Dương Ngọc Mai, xã Hòa Bình (Hưng Hà). Qua thăm khám, làm xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân Dương Ngọc Mai chia sẻ: Mấy tháng nay tôi không đi ra tỉnh ngoài. Gần đây, thấy đau đầu, đau nhức người, buồn nôn; khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà tôi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Sau một tuần điều trị, sức khỏe của tôi đã dần ổn định. 

Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết là hai trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp mùa hè. Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, từ đầu tháng 5 đến nay số lượng bệnh nhân tăng. Nếu như những tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có hơn 400 bệnh nhân đến khám thì từ ngày 1 - 17/5 số lượng là hơn 300 bệnh nhân. 

Bác sĩ Trưởng khoa Bùi Cao Kỳ chia sẻ: Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh nhân mắc các bệnh mùa hè đặc biệt như cúm A, cúm B. Nhiều trường hợp người nhà cho đến muộn đã dẫn đến biến chứng viêm phổi có biểu hiện suy hô hấp. Bên cạnh cúm A, cúm B còn những bệnh nhân khác trong 10 bệnh truyền nhiễm hay gặp như: sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, thủy đậu... đều được chúng tôi xử lý, cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra với người bệnh. 

Thời tiết đầu mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi... sinh sôi, phát triển làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Hiện nay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp thường gặp gồm: cúm, viêm phổi, thủy đậu, sởi, viêm màng não mô cầu; bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa có tiêu chảy cấp, tay chân miệng... Bệnh lây truyền qua côn trùng như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng có xu hướng quay trở lại như: sởi, ho gà. Từ đầu năm đến ngày 13/5, Thái Bình đã ghi nhận hơn 150 ca mắc sốt xuất huyết, gần 10.800 ca mắc hội chứng cúm, hơn 290 ca mắc tay chân miệng và một số trường hợp mắc ho gà. 

Bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành dịch với số lượng người mắc cao. Một số bệnh truyền nhiễm mùa hè có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chủ động phòng bệnh, ngành y tế, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thường xuyên giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường... Cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, các địa phương, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là sự chủ động của người dân. 

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Vào mùa hè, để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, người dân cần ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm trong ăn uống cũng như chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, môi trường, rèn luyện thể thao, nâng cao thể trạng, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi công cộng. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động các biện pháp tiêu diệt muỗi, bọ gậy phòng sốt xuất huyết; tuân thủ các chỉ đạo về phòng, chống bệnh dại. Đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm để được khám, điều trị kịp thời. Nắng nóng còn làm gia tăng tình trạng đột quỵ, tai biến, suy tim. Vì thế, người dân không nên chủ quan mà cần chủ động, tích cực thực hiện một số biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Hà.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày