Thứ 6, 27/12/2024, 13:35[GMT+7]

Bổ sung vitamin A rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ

Thứ 7, 01/06/2024 | 12:58:00
5,108 lượt xem
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1 năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 - 2/6 đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng được bổ sung vitamin A liều cao là trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế. Theo đó, đợt 1 của chiến dịch sẽ có khoảng 113.000 trường hợp được uống vitamin A liều cao.

Trẻ em trong độ tuổi được uống bổ sung vitamin A liều cao đúng quy định tại Trạm Y tế xã Thụy Phong (Thái Thụy).

Cùng với chiến dịch bổ sung vitamin A, các điểm uống cũng triển khai chiến dịch cân, đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể suy dinh dưỡng gầy còm, cấp tính và tỷ lệ thừa cân béo phì cho trẻ. 

Mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 98% trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 35 tháng tuổi và 100% trẻ có nguy cơ bị thiếu vitamin A được uống vitamin A liều cao; đồng thời cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. 

Trước khi triển khai chiến dịch, cán bộ y tế phụ trách hoạt động uống vitamin A và cộng tác viên dinh dưỡng của 8 huyện, thành phố đã được hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật cho trẻ uống vitamin A; cách xử trí khi trẻ có sự cố hóc, sặc; kỹ thuật cân, đo, thống kê báo cáo và sử dụng biểu đồ tăng trưởng đánh giá tình trạng dinh dưỡng; cách bố trí, sắp xếp trang thiết bị, dụng cụ... 

Ngành y tế cũng yêu cầu các trạm y tế cơ sở bảo đảm các điểm uống, điểm cân đo tổ chức đúng quy trình, bảo đảm thuận tiện đi lại, được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Bố trí đủ ghế ngồi chờ ở nơi có mái che tránh nắng, nóng cho đối tượng đến uống. Đặc biệt, phân bổ số trẻ hợp lý, bố trí uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây quá tải. Đồng thời, cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống vitamin A phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định. 

Để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ, đạt được các mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp, các ngành cần tiếp tục chung tay với ngành y tế tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân tăng cường bảo đảm an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện chất lượng bữa ăn, sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm bảo đảm đủ các thành phần dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi. Đối với bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung các sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hàng ngày. 

Việc thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn và phát triển không toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, giảm khả năng nhìn (quáng gà), nếu thiếu vitamin A nhiều sẽ gây viêm loét giác mạc và dẫn đến mù lòa. Đối tượng dễ bị thiếu vitamin A nhất là trẻ dưới 5 tuổi và các đối tượng nguy cơ. Do đó, việc bổ sung vitamin A rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hàng năm, thông qua hai đợt chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi, tỷ lệ trẻ em được uống vitamin A thường xuyên tại tỉnh Thái Bình luôn được duy trì trên 98% và hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường xuyên ở các xã, phường, thị trấn, góp phần duy trì bền vững kết quả thanh toán bệnh khô mắt ở trẻ, làm giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng cường sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày