Chủ nhật, 24/11/2024, 10:19[GMT+7]

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Thứ 2, 15/07/2024 | 15:09:37
4,004 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, hàng tuần trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận có ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù ở một số địa phương đã ghi nhận ca mắc song công tác vệ sinh môi trường, diệt ổ bọ gậy chưa triệt để, người dân còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết.

Số ca mắc tăng cao 

Tại xã Minh Quang (Kiến Xương) mới ghi nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết nội sinh. Bệnh nhân thường xuyên ở nhà không đi ra tỉnh ngoài từ nhiều tháng nay. Khi có dấu hiệu sốt, nôn, bệnh nhân đi khám thì tiểu cầu đã giảm. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nhập viện, điều trị. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Bà Trần Thị Thoa, xã Minh Quang (Kiến Xương) cho biết: Ban đầu, tôi cũng không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết, chỉ nghĩ mắc bệnh thông thường. Đến khi đau đầu dữ dội, sốt đi khám tại phòng khám gần nhà, các bác sĩ giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên bởi lượng tiểu cầu giảm mạnh. Qua thăm khám, làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng bị sốt xuất huyết nên không nghĩ khi bị bệnh lại mệt mỏi như vậy. Mong mọi người chú ý đến sức khỏe, nên thường xuyên vệ sinh môi trường, đừng để có những ổ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh. 

Trước thông tin về ca mắc sốt xuất huyết, xã Minh Quang đã triển khai các biện pháp phòng, chống như: tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, phun thuốc muỗi, vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, qua giám sát của cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ bọ gậy, muỗi ở xung quanh nhà bệnh nhân vẫn rất cao. 

Người dân thu gom phế thải, dụng cụ đựng nước đọng. 

Ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang chia sẻ: Trước tình hình có ca mắc và nguy cơ xuất hiện ca mắc mới vẫn còn, địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các ban, ngành, đoàn thể và mỗi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, nhất là ở thôn đã ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nội sinh. Bên cạnh đó, phân công cán bộ Trạm Y tế xã thực hiện giám sát, hướng dẫn các gia đình, khu dân cư vệ sinh môi trường, bảo đảm không có dịch bệnh phát sinh trở lại. 

6 tháng đầu năm 2024, số ca mắc mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 239 ca (tăng gấp 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2023). Qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các ca mắc xuất hiện rải rác ở các địa phương, trong đó nhiều địa phương đã ghi nhận ca mắc nội sinh. 

Nguy cơ lây lan, bùng phát dịch hiện hữu

Số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ những năm trước, trong đó riêng ca mắc nội sinh là 141 ca cho thấy véc tơ truyền bệnh đã có và vẫn đang lưu hành trong cộng đồng. Việc  nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân và vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, tiêu diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương đã ghi nhận ca bệnh, công tác vệ sinh môi trường chưa bảo đảm yêu cầu; nhiều người dân vẫn chủ quan, không nghĩ rằng những vật liệu phế thải như chai, lọ, lốp xe... lại là nơi trú ngụ của bọ gậy nên chưa thu gom triệt để. 

Bác sĩ Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh tại một số ổ dịch, tỷ lệ bọ gậy, muỗi truyền bệnh vẫn rất cao. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ổ dịch. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về dịch bệnh vẫn còn hạn chế, nhất là việc vệ sinh môi trường và thu gom các dụng cụ chứa nước đọng. Qua đây, chúng tôi mong muốn, tại các nơi đã ghi nhận ca mắc, trung tâm y tế các huyện, thành phố, chính quyền các địa phương, trạm y tế xã phối hợp xử lý tốt công tác vệ sinh môi trường, không để sót ổ bọ gậy trong cộng đồng bởi không có bọ gậy, không có muỗi truyền bệnh sẽ không có sốt xuất huyết. 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp tại Việt Nam phải nhập viện và gần 100 ca tử vong mỗi năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 30.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 3 trường hợp tử vong. Nhiều địa phương đã ghi nhận số ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao như: Hải Phòng, Hà Nội... Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mới có vắcxin phòng bệnh. Hiện có 2 loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và một số nước cấp phép là: CYD-TDV và TAK-003. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi và thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, dụng cụ chứa nước đọng. 

Video: 150724-SOT_XUAT_HUYET_TANG.mp4?_t=1721030526

 Hoàng Lanh – Anh Dân