Thứ 7, 23/11/2024, 16:31[GMT+7]

Gia tăng ca mắc một số bệnh truyền nhiễm

Thứ 7, 17/08/2024 | 08:05:32
2,700 lượt xem
Cùng với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành cũng đang có xu hướng gia tăng. Tại một số địa phương đã ghi nhận rải rác các ổ dịch, ca mắc bệnh truyền nhiễm.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Từ đầu năm đến ngày 8/8, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nội sinh ghi nhận trên địa bàn thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) là 7 ca, bằng số ca mắc của cả năm 2023; đáng lưu ý, số ca mắc tăng nhanh từ cuối tháng 7 đến nay. Dù ngay khi có thông tin về ca mắc vào ngày 25/7 xã đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH song các ca mắc vẫn xuất hiện rải rác. Qua giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại địa phương vào ngày 6/8 vẫn phát hiện có bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH; ở khu vực gần nhà bệnh nhân, việc thu gom các dụng cụ, phế thải chứa nước đọng chưa triệt để.

Tại xã Xuân Hòa (Vũ Thư), nếu như cả năm 2023 trên địa bàn xã chỉ ghi nhận có 2 ca mắc SXH nội sinh thì từ đầu năm đến nay số ca mắc đã là 4 ca, trong đó có 3 ca nội sinh.

Còn ở Đông Hưng, theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, số ca mắc SXH hiện đã ghi nhận 44 ca, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 25 ca mắc SXH nội sinh. 7 tháng đầu năm 2024, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh đã là 324 ca, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trước đây, sự gia tăng số ca mắc SXH thường là từ tháng 7 đến tháng 11 hay gọi là SXH vào mùa thì nay quy luật này đang dần có sự thay đổi khi SXH xuất hiện ngay từ đầu năm và ca mắc tăng cao khi mới tháng 4, tháng 5.

Sự gia tăng ca mắc ở bệnh truyền nhiễm đang lưu hành không chỉ có SXH mà còn có sự tăng nhẹ ở bệnh tay chân miệng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc tay chân miệng 7 tháng đầu năm 2024 là 485 ca, cao hơn cùng kỳ năm 2023 hơn 200 ca. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình, số ca điều trị tay chân miệng, cúm ghi nhận điều trị tại khoa 7 tháng năm 2024 cũng cao hơn số ca điều trị cùng kỳ năm ngoái.

Có nhiều nguyên nhân khiến gia tăng số ca mắc SXH, tay chân miệng được chỉ ra như: sự thay đổi của thời tiết, ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân chưa cao, công tác vệ sinh phòng bệnh chưa bảo đảm... Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Muỗi truyền bệnh SXH có 2 loại: Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là loại muỗi phổ biến truyền bệnh SXH, Aedes albopictus có khả năng truyền bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn. Tại Thái Bình nhiều năm nay, qua giám sát chủ yếu phát hiện muỗi Aedes albopictus. Loại muỗi này sống gần nhà nhiều hơn trong nhà, khả năng lây truyền thấp hơn nên ghi nhận ca mắc SXH rải rác. Tuy nhiên, hiện nay quần thể muỗi đã có sự thích nghi dần với biến đổi khí hậu và các yếu tố khác khiến số ca mắc SXH tăng. Muỗi Aedes aegypti đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng làm tăng mối lo ngại về việc quay trở lại của loại muỗi này kèm theo sự gia tăng số ca mắc nhanh. Do đó hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang phối hợp với các địa phương, trong đó có Thái Bình giám sát liên tục sự biến đổi của muỗi. Bên cạnh đó, sự thay đổi của thời tiết với các đợt mưa nắng xen kẽ cũng là yếu tố khiến muỗi phát triển làm gia tăng ca mắc. Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự xuất hiện của công trình xây dựng với các vật dụng chứa nước đọng chưa được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh. Nhiều người vẫn quen giữ lại những dụng cụ dù ít dùng hoặc không dùng đến, để đọng nước, tạo môi trường sinh sống, phát triển của bọ gậy. Ý thức vệ sinh môi trường, thu gom rác thải có lúc, có nơi chưa cao...

Trước số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tăng kèm theo một số bệnh truyền khác như: Cúm gia cầm, đậu mùa khỉ... có nguy cơ xâm nhập, ngành y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, đề xuất nhu cầu tiêm vắc-xin... Bên cạnh đó, duy trì công tác thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; thực hiện cập nhật báo cáo bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Người dân không chủ quan, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Hoàng Lanh