Thứ 6, 27/12/2024, 07:10[GMT+7]

Thành phố: Bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

Thứ 3, 24/09/2024 | 09:05:01
6,034 lượt xem
Ăn bán trú là lựa chọn của hầu hết gia đình có con theo học mầm non và tiểu học. Với 100% trường mầm non, tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được thành phố Thái Bình hết sức quan tâm.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Với hơn 2.100 học sinh ở 37 lớp, trong đó 70% đăng ký ăn bán trú, Trường Tiểu học Kỳ Bá xác định công tác an toàn bán trú là nhiệm vụ trọng tâm. 

Bà Đặng Thị Vui, Hiệu trưởng cho biết: Ngay từ đầu tháng 8, Trường đã đánh giá và lựa chọn nhà cung ứng thực phẩm có đủ hồ sơ năng lực, tính pháp lý. Điều kiện đầu tiên là nguồn thực phẩm đầu vào phải tươi ngon, rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của ngành y tế. Bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, có camera giám sát 24/24 giờ. Hàng ngày, cứ 6 giờ 30 phút sáng, đại diện Ban giám hiệu, y tế nhà trường và hội cha mẹ học sinh có mặt tại Trường để thực hiện quy trình giao nhận thực phẩm giữa nhà trường với công ty nấu ăn. Thực đơn bảo đảm định lượng dinh dưỡng cho trẻ trong một ngày. Số lượng học sinh ăn bán trú đông, trong đó gần 300 học sinh lớp 1 vừa chuyển từ cấp mầm non lên nên các em còn nhiều bỡ ngỡ. Để nhanh vào nền nếp, giáo viên vừa trong vai người dạy kiến thức vừa đóng vai trò như những “nhà tâm lý” giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới. Đến nay, việc tổ chức ăn bán trú đã đi vào nền nếp, học sinh hào hứng với bữa ăn trưa tại trường.

Khu nhà bếp của Trường Mầm non Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Là cấp học trông trẻ cả trong hè, các trường mầm non trên địa bàn thành phố rất chú trọng tới an toàn bán trú cho trẻ. Bà Dương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Lãm chia sẻ: Năm nay, toàn trường có hơn 400 trẻ, 100% đăng ký ăn bán trú. Bếp ăn của Trường vận hành theo quy trình một chiều với các khu riêng biệt, gồm khu tiếp nhận, khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, hệ thống bàn chia, tủ đựng thức ăn. Cũng như các năm trước, với những trẻ kén ăn hoặc mới đi lớp sẽ gặp một số khó khăn. Do đó các cô sẽ căn cứ thực tế trong lớp có trẻ nào phải ăn kiêng hoặc kén có thể bổ sung thêm sữa vào khẩu phần ăn, kể cả bữa phụ chiều để bảo đảm đủ dinh dưỡng. Dựa vào đặc điểm tâm lý chung của trẻ mầm non, các cô sẽ khéo léo động viên trẻ khi ăn. Quá trình này thường kéo dài trong tháng đầu tiên của năm học, sau đó trẻ dần quen với môi trường mới, bạn mới sẽ hình thành thói quen ăn hết suất bữa trưa lẫn chiều. An toàn bán trú luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Chúng tôi luôn tuân thủ đúng hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Năm học 2024 - 2025, thành phố Thái Bình có 53 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS; 31 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tổ chức ăn bán trú. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Để bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú, ngay từ đầu năm học Phòng đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín; công khai, minh bạch việc tổ chức ăn bán trú với cha mẹ học sinh. Thực hiện giám sát chặt chẽ các khâu tổ chức ăn bán trú, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày và bảo quản đúng quy trình. Thực đơn bữa ăn được thay đổi theo mùa, thức ăn không trùng lặp trong tuần. Hiện nay, 100% bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn thành phố đều bảo đảm đúng, đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú. Chất lượng các bữa ăn từng bước được nâng lên; cán bộ, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, học sinh được khám sức khỏe định kỳ.

Đức Dũng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày