Thứ 5, 26/12/2024, 22:05[GMT+7]

Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024: "Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con"

Thứ 3, 01/10/2024 | 08:02:31
3,145 lượt xem
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 7/10/2024, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Ảnh minh họa.

Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khỏe về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời vận động các cấp chính quyền đoàn thể từ trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ ngày 1/10 đến ngày 7/10/2024.

Các hoạt động chủ yếu trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kết hợp cung cấp dịch vụ hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, thông qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỷ số tử vong mẹ trên toàn quốc đã tiếp tục giảm từ 58,3/100.000 xuống 45/100.000 trẻ đẻ sống . Phần lớn các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh vẫn duy trì ở mức cao. Trên 80% số phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén. Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt mức bao phủ phổ cập và có đến 96% cuộc đẻ có nhân viên y tế đã được đào tạo đỡ. Các hoạt động chăm sóc trong tuần đầu sau sinh cũng bao phủ được hơn 75% số bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các chỉ số nêu trên vẫn còn sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa các vùng miền với tỷ lệ thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhìn chung, tốc độ cải thiện các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em có xu hướng chậm lại so với những giai đoạn trước và sự khác biệt giữa các vùng/miền, các nhóm đối tượng chưa được thu hẹp một cách đáng kể.

Về tình hình thực hiện các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh vẫn luôn duy trì ở mức cao trên bình diện toàn quốc. Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy trên 87,67% số phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén; gần 96% cuộc đẻ có cán bộ y tế có kỹ năng đỡ. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong tuần đầu duy trì ở mức trên 72%.

Về công tác chăm sóc sơ sinh và trẻ em, theo con số ước tính mới nhất của Liên hiệp quốc, tỷ suất tử vong sơ sinh ở Việt Nam năm 2021 là 9,96‰, thấp hơn số ước tính cho các nước khu vực Đông Nam Á (12‰). Tuy nhiên, tốc độ giảm khá chậm so với năm 2015 (11,73‰) và với tỷ suất tử vong hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn có tới khoảng 15.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày đầu đời.

Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt, đẻ non/nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn. Theo WHO, phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.

Trong vòng hơn 15 năm, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân dưới 2.500g đã giảm gần một nửa (7% năm 2006 xuống 5,7% năm 2014 và 4% năm 2020-2021). Tuy nhiên, theo ước tính của UNICEF, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân của Việt Nam được cải thiện rất chậm và hiện tại vẫn còn khá cao (từ 9,9% năm 2000 xuống 6,3% vào năm 2020 ).

Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều và bền vững. Năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 10,4% (thể nhẹ cân) và 18,4% (thể thấp còi). Tuy nhiên, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, cá biệt có tỉnh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi vẫn cao trên 30%. Đây tiếp tục là thách thức không nhỏ cho các tỉnh miền núi, khó khăn trong thời gian tới.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày