Thứ 6, 11/10/2024, 13:18[GMT+7]

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao thể chất, tầm vóc cho trẻ

Thứ 6, 11/10/2024 | 09:47:34
215 lượt xem
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi (chiều cao/tuổi) cho trẻ em dưới 5 tuổi trong tỉnh xuống dưới 17% vào năm 2025; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi là những mục tiêu được ngành y tế đặt ra. Để thực hiện mục tiêu trên, ngành y tế đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Nhân viên y tế kiểm tra chiều cao của trẻ em xã Đông Kinh (Đông Hưng).

Can thiệp dinh dưỡng từ gia đình đến cộng đồng 

Có cháu 3 tuổi đang học mầm non, gia đình bà Nguyễn Thị Tín, thôn Lãm Khê, xã Đông Kinh (Đông Hưng) luôn chú ý đến chế độ dinh dưỡng của cháu. Ngoài bổ sung đạm, tinh bột, vitamin, chất béo... trong mỗi bữa ăn chính hàng ngày, gia đình bà đã bổ sung thêm sữa và cho cháu ăn bữa phụ. 

Bà Nguyễn Thị Tín chia sẻ: Mỗi lần đến Trạm Y tế xã tiêm chủng cho cháu, chúng tôi được các bác sĩ tư vấn thêm về dinh dưỡng, việc ăn đủ các nhóm chất. Bên cạnh đó, mẹ cháu cũng tìm hiểu thêm các thông tin qua báo, đài để bảo đảm dinh dưỡng cho con. Nhờ đó, cháu phát triển khỏe mạnh, cân nặng phù hợp với lứa tuổi. 

Đông Kinh là 1 trong 2 xã của huyện Đông Hưng và là 1 trong 14 xã trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình điểm về chăm sóc toàn diện trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ nhằm hỗ trợ phát triển một cách tốt nhất cho trẻ. 

Y sĩ Nguyễn Thị Hoài, cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống SDD, Trạm Y tế xã Đông Kinh cho biết: Theo kết quả cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ từ 0 - 5 tuổi của Trạm Y tế xã, toàn xã có 25/337 trẻ SDD thể nhẹ cân (cân nặng/ tuổi); 29/337 trẻ SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi). Công tác phòng, chống SDD thấp còi ở trẻ em luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Ngoài việc viết bài trên hệ thống truyền thanh xã, khi phụ huynh cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng hoặc đến cân đo, uống vitamin A vào dịp 1/6 hoặc 1/12 hàng năm, nhân viên y tế của Trạm Y tế xã và đội ngũ y tế thôn đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân cung cấp đủ các nhóm chất gồm: chất đường bột, chất đạm, chất béo, nhất là vitamin và khoáng chất cho trẻ. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng hướng dẫn phụ huynh kết hợp đa dạng giữa các loại thực phẩm trong bữa ăn của trẻ; đồng thời chỉ ra những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị SDD... Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã về Trạm Y tế xã tổ chức chương trình tư vấn phòng, chống SDD trẻ em, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng. Nhờ đó góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân trong xã về dinh dưỡng hợp lý. 

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Những năm qua, công tác phòng, chống SDD trẻ em được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chú trọng, trong đó ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động như: đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng; truyền thông, tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, người chăm sóc trẻ; giám sát, hỗ trợ giữa các tuyến; cân đo, đánh giá tình trạng SDD... 

Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2023 tại 30 cụm xã trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân chiếm 9,8% trên tổng số trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi chiếm 18,5% và tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm chiếm 6%. So với chỉ tiêu được giao năm 2023, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi giảm. 

Nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra 

Với mục tiêu giảm SDD thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các đối tượng trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và phụ nữ tuổi sinh đẻ trên địa bàn toàn tỉnh; đến năm 2025 giảm tỷ lệ SDD thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi trong tỉnh xuống dưới 17%, cùng với các cấp, ngành, địa phương, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch can thiệp phòng, chống SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2023 - 2025 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, những nhiệm vụ, giải pháp mà ngành y tế đặt ra là củng cố hệ thống mạng lưới dinh dưỡng, nâng cao năng lực cho hệ thống; theo dõi tăng trưởng, phát triển và đánh giá tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A, viên sắt, đa vi chất cho các trường hợp nguy cơ; điều trị SDD cấp tính nặng và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống SDD thấp còi; xây dựng mô hình điểm về chăm sóc dinh dưỡng toàn diện trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; xây dựng hướng dẫn, tổ chức bữa ăn tại các trường mầm non, duy trì tẩy giun, sán định kỳ mỗi năm... 

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã có kế hoạch với những mục tiêu, hoạt động cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. 

Bác sĩ Lại Văn Hạ, Trưởng khoa Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động chính như tập huấn cho cán bộ mạng lưới quy trình kỹ thuật cân, đo trẻ em, tổ chức bổ sung vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi; triển khai cân đo trẻ em dưới 5 tuổi đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bổ sung vitamin A cho trẻ trong độ tuổi theo quy định; kiểm tra giám sát hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng; đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại 30 cụm xã theo chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng quốc gia; phối hợp với trường mầm non trên địa bàn thành phố tổ chức nói chuyện chuyên đề dinh dưỡng học đường, tư vấn và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tại trường... 

SDD ở trẻ nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tình trạng SDD nặng, thấp còi, chậm phát triển trí tuệ, dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp... Do đó, bảo đảm dinh dưỡng để trẻ có thể chất, tầm vóc đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

Trẻ từ 0 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xã Bách Thuận (Vũ Thư) được lấy mẫu xét nghiệm xác định tình trạng thiếu một số vi chất. 

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày