Thứ 5, 21/11/2024, 21:52[GMT+7]

Kháng kháng sinh - hồi chuông cảnh báo từ ngành y tế

Thứ 5, 24/10/2024 | 09:17:44
5,214 lượt xem
Dễ tìm, dễ mua, không cần theo đơn của bác sĩ, việc sở hữu kháng sinh dễ dàng khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc không đúng, đủ liều theo chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến nhiều người bị nhờn thuốc hay kháng kháng sinh, gây đe dọa tới tính mạng và phải điều trị tốn kém, dài ngày

Cán bộ Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện xét nghiệm định danh vi khuẩn.

Bệnh nhân Tống Xuân Bái, xã Thái Hưng (Hưng Hà) nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chẩn đoán bị tai biến, teo não tuổi già và viêm phổi, suy hô hấp. Trong thời gian điều trị tại Khoa, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm phát hiện kháng kháng sinh. Để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã phải đổi nhiều loại kháng sinh, buộc phải dùng cả kháng sinh nặng. Kháng kháng sinh đã khiến việc điều trị của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian phải nằm viện. 

Hiện nay, số trường hợp kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng. Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ghi nhận có nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh. Bác sĩ Nguyễn Thị Sính, Khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: Trước đây, dùng kháng sinh mạnh như nhóm carbapenem, tỷ lệ điều trị các nhóm khuẩn trên đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, việc sử dụng kháng sinh nhóm carbapenem không đạt hiệu quả như trước; tỷ lệ nhạy với kháng sinh giảm. Một số loại thuốc kháng sinh ít dùng trước đây giờ lại trở thành nhóm kháng sinh “đầu tay” sử dụng phổ biến tại Khoa. Trung bình số lượng bệnh nhân điều trị tại Khoa là 35 bệnh nhân/ngày, trong đó có khoảng 18 - 20 bệnh nhân mắc viêm phổi bệnh viện. Tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh chiếm 15 - 20% bệnh nhân mắc viêm phổi bệnh viện. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận kháng kháng sinh ở một số bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Sính, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh như: bệnh nhân lạm dụng kháng sinh, sử dụng không đúng chỉ định hay tự ý mua dùng không đúng bệnh, đúng liều. Có bệnh nhi chỉ bị ho, sốt, sổ mũi có thể là do virus hoặc thời tiết nhưng bố mẹ lo con bị trở nặng nên tự ý mua cho con dùng hoặc đến các phòng khám không đúng chuyên khoa nhi... khiến tỷ lệ kháng kháng sinh ở trẻ cũng ngày càng tăng. Tại các bệnh viện, nguy cơ kháng kháng sinh cũng có thể xảy ra do không bảo đảm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, dễ lây chéo giữa bệnh nhân bị mắc vi khuẩn kháng kháng sinh sang bệnh nhân khác hoặc người nhà nhiễm vi khuẩn lây cho bệnh nhân... 

Qua thực hiện các xét nghiệm, nuôi cấy mẫu tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Bùi Thị Thu Hường, Trưởng khoa Vi sinh cho biết: Vi khuẩn kháng kháng sinh thường gặp hiện nay là trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter baumanni, tụ cầu vàng. Khi bệnh nhân bị kháng kháng sinh sẽ phải dùng kháng sinh liều cao, phổ rộng hơn dẫn đến quá trình điều trị kéo dài, làm tăng chi phí điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh bị suy giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh khác, thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ tử vong vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết vi khuẩn đa kháng thuốc. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người bệnh không lạm dụng kháng sinh, không dùng kháng sinh khi không cần thiết và ngừng dùng khi đã đủ liệu trình, không tự ý ngưng thuốc hay mua thêm thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh không tự ý mua kháng sinh tại quầy thuốc khi chưa có chỉ định, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, “bác sĩ trên mạng” hay lấy đơn của lần trước điều trị bệnh cho lần này mà nên đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, được kê đơn thuốc phù hợp. Tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức, không chia sẻ thuốc kháng sinh hoặc dùng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác, chung tay đẩy lùi tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh vì sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng.

Vi khuẩn kháng kháng sinh thường gặp hiện nay là trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter baumanni, tụ cầu vàng. Trong ảnh: Bệnh nhân kháng kháng sinh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Hoàng Lanh