Thứ 5, 05/12/2024, 01:53[GMT+7]

Cấp cứu thành công bệnh nhi 9 tháng tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn trứng

Thứ 4, 04/12/2024 | 14:59:28
1,778 lượt xem
Bệnh viện Nhi Thái Bình vừa cấp cứu thành công bệnh nhi 9 tháng tuổi, xã Thái Nguyên (Thái Thụy) bị sốc phản vệ sau khi ăn trứng.

Bệnh nhi 9 tháng tuổi bị sốc phản vệ điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, sau khi ăn lòng đỏ trứng, bệnh nhi xuất hiện tình trạng nguy kịch, nổi các nốt ban đỏ quanh môi, bụng, tụt huyết áp… Gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhi đi cấp cứu tại cơ sở y tế trên địa bàn huyện sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, bệnh nhi được chẩn đoán ban đầu là phù phổi cấp, sốc phản vệ, suy tuần hoàn nặng, suy hô hấp, mạch yếu, da tái… Bác sĩ Phạm Thế Hiển, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Bệnh nhân được duy trì vận mạch 2, 3 lần ở liều cao song mạch vẫn rất yếu. Các biểu hiện cho thấy bệnh nhi bị sốc phản vệ nặng nghi do ăn trứng. Qua khai thác thông tin từ người nhà, bệnh nhi có tiền sử dị ứng với trứng. Đến nay, qua điều trị sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, có thể xuất viện.

Bác sĩ Phạm Thế Hiển khuyến cáo: Sốc phản vệ có thể do nhiều nguyên nhân liên quan đến đồ ăn, thuốc, tiêm truyền… Liên quan đến sốc phản vệ do ăn uống, với đồ ăn mới, trẻ chưa ăn bao giờ thì cho ăn một lượng nhỏ trước, sau đó theo dõi 24 giờ, nếu không có dấu hiệu bất thường mới cho ăn lại. Bệnh nhân uống thuốc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi cho trẻ đi tiêm, trẻ phải được theo dõi sức khỏe ở điểm tiêm khoảng 30 phút sau tiêm để có thể xử trí kịp thời nếu không may bị sốc phản vệ. Với người có tiền sử dị ứng cần thông báo cho các bác sĩ trong mỗi lần khám, điều trị. Triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng và khó lường trước được. Do đó, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Lanh