Bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh
Công ty Cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây dược liệu quý, đặc biệt là cây đinh lăng. Công ty đã xây dựng và phát triển vùng trồng dược liệu đinh lăng với diện tích 1ha tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ), bảo đảm theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) với khối lượng dược liệu trung bình thu được 6 tấn/ha/ năm. Từ nguồn dược liệu này, Công ty đã sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như hoạt huyết dưỡng não, ceprico, trà bổ máu... có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu não, giảm căng thẳng.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Việc phát triển vùng trồng dược liệu đinh lăng vừa giúp Công ty chủ động được nguồn dược liệu sạch đầu vào vừa có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết bài toán nhu cầu dược liệu sản xuất của nền y học nước nhà. Để bảo đảm nguồn gen cây đinh lăng được bảo tồn và phát triển bền vững, dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn tại Công ty, tôi thấy các vùng trồng đinh lăng cần được quy hoạch bài bản với sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu nên hợp tác với các địa phương để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tránh tình trạng khai thác tự phát. Tăng cường nghiên cứu về di truyền học và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như nhân giống vô tính để bảo tồn các giống cây đinh lăng có giá trị cao. Bên cạnh các bài thuốc cổ truyền, việc nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ đinh lăng như dược phẩm, thực phẩm chức năng sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen cây này thông qua việc phát triển các chuỗi sản xuất dược liệu bền vững.
Cùng với Công ty Cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà, việc bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây dược liệu quý cũng được các địa phương trong tỉnh quan tâm. Hơn 30 năm qua, ngưu tất trở thành cây trồng không thể thiếu trong mỗi vụ đông tại xã Thống Nhất (Hưng Hà). Xã đã quy hoạch vùng trồng ngưu tất, liên kết sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác cho người nông dân. Vụ đông năm nay, xã gieo trồng trên 90ha cây ngưu tất, chiếm 40% diện tích cây vụ đông của xã. Trung bình mỗi năm xã thu về gần 20 tỷ đồng từ trồng cây ngưu tất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN xã chia sẻ: Để duy trì và phát triển cây ngưu tất, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho nông dân; hỗ trợ bà con đầu tư máy móc vào sản xuất, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập cho người nông dân.
Thái Bình hiện có khoảng 1.300ha trồng cây dược liệu, trong đó 400ha cây dược liệu hàng năm, 900ha cây dược liệu lâu năm. Nhiều năm qua, việc trồng và phát triển cây dược liệu đã giúp nông dân một số địa phương của tỉnh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất đai, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả. Các huyện có vùng trồng cây dược liệu gồm Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy với nhiều loại cây dược liệu như đinh lăng, cà gai leo, ngưu tất, hoài sơn, bồ công anh... Nhiều loài cây có quy mô diện tích lớn đã mang lại thu nhập cao cho người dân như: cây hòe 1.300ha (trong đó huyện Vũ Thư 540ha, tập trung ở các xã Bách Thuận, Hồng Lý, còn lại rải rác ở các huyện); cây ngưu tất 400ha (tập trung ở các xã Thống Nhất, Tây Đô, Hòa Bình của huyện Hưng Hà và rải rác trong toàn tỉnh)...
Ngoài ra, một số đề tài, dự án trồng cây dược liệu cũng đã được triển khai hiệu quả như Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo tại tỉnh Thái Bình”; đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng, chưng cất tinh dầu cây sả chanh, cây hương nhu trắng trên vùng đất mặn, phèn và đất trồng lúa kém hiệu quả tại Thái Bình”...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn như: Việc quy hoạch vùng trồng các loại cây dược liệu lâu dài chưa được chú trọng; kỹ thuật canh tác, quy trình phòng, trừ sâu bệnh hại, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu còn hạn chế, chưa bảo đảm theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO); cơ sở hạ tầng trong sản xuất, chế biến, nhất là công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch còn thiếu và chưa đồng bộ...
Bà Phạm Thị Thu Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng, phát triển khoa học nông nghiệp và môi trường cho biết: Thái Bình được định hướng sẽ là trung tâm y dược lớn của cả nước, có khu công nghiệp dược - sinh học với diện tích khoảng 300ha tại huyện Quỳnh Phụ. Với kỳ vọng phát triển vươn tầm ra khu vực, vì vậy việc quy hoạch, phát triển vùng sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, trong đó ưu tiên các vùng trồng cây ngắn ngày truyền thống và dễ trồng như ngưu tất, cà gai leo, đinh lăng, sả, cỏ ngọt... Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp các vùng sản xuất dược liệu tập trung quy mô lớn, đặc biệt chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất dược liệu: tập trung vào khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa học, thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến, bảo quản dược liệu thông qua các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu dược liệu Thái Bình. Cấp mã số vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu của tỉnh. Phát triển sản xuất dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu Hoài
Tin cùng chuyên mục
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 22/1 22.01.2022 | 20:53 PM
Xem tin theo ngày
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình
- Điều động đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các linh mục và đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh tại huyện Kiến Xương
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh tại thành phố Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà, chúc mừng các chức sắc và đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công bố kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2024
- Ngành tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu thực hiện quyết liệt việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị