Thứ 5, 20/02/2025, 10:34[GMT+7]

Cao cả sứ mệnh người thầy thuốc Kỳ 1: Nơi ánh điện không bao giờ tắt

Thứ 2, 17/02/2025 | 09:01:26
1,879 lượt xem
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đã đi qua gần 2 năm nhưng hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng lăn xả trong tâm dịch vẫn để lại nhiều dư âm và xúc động trong lòng nhân dân. Song đó chỉ là một góc nhỏ phản ánh về những đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc bởi cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh vẫn diễn ra mỗi ngày.

Người bệnh điều trị tại Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tách biệt với không gian bên ngoài là sự vội vã, khẩn trương của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh. Khó khăn, vất vả không thể kể hết bởi đa phần bệnh nhân vào đây đều trong tình trạng nặng, nhiều bệnh nhân mong manh giữa lằn ranh sinh tử. Dù bất kể là ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết, ánh điện nơi đây luôn sáng, 54 bác sĩ, điều dưỡng vẫn miệt mài bên người bệnh, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn, Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận trên 150 bệnh nhân với tất cả các mặt bệnh. Từ bệnh nhân chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng đến bệnh nhân suy hô hấp, cấp cứu nội khoa, đột quỵ, tai biến... Lượng bệnh nhân đông song chúng tôi không được phép chậm trễ, phải xử lý nhanh chóng, cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Có thời điểm, bệnh nhân nặng vào cùng lúc đông khiến cán bộ, nhân viên rất vất vả, đôi khi không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có lúc chúng tôi đã tiếp nhận bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim trước khi vào viện. Mọi thao tác, quy trình thăm khám như sốc điện, ép tim, dùng thuốc cấp cứu được thực hiện rất nhanh để giành lại sự sống cho người bệnh.

Sau ca trực thức trắng đêm chăm sóc, điều trị cho người bệnh, mắt thâm quầng, chân tay rã rời, các bác sĩ, điều dưỡng mới được chợp mắt. Thế nhưng, mọi mệt mỏi dần tan biến khi họ thấy những tín hiệu chuyển biến tích cực, từng chút của người bệnh và nụ cười, lời cảm ơn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mỗi khi xuất viện. 

Anh Nguyễn Văn Trọng, xã Thái Nguyên (Thái Thụy) cho biết: Bố tôi ở nhà bị tiểu đường, viêm phổi, việc ăn uống, đi lại rất khó khăn. Trước khi nhập viện, bệnh diễn biến nặng nhanh. Sau thời gian điều trị tại Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, được các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc tận tình, chu đáo, tình trạng sức khỏe của bố tôi đã tốt hơn nhiều so với trước. Gia đình rất cảm ơn các cán bộ, nhân viên y tế.

Trẻ sinh cực non được chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Trung bình mỗi ngày số bệnh nhi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình là 30 người. Dù lượng bệnh nhân không đông như Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế trong Khoa cũng rất vất vả và áp lực vì đây là nơi điều trị cho bệnh nhi nặng, có những bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong cao. 

Bác sĩ Hoàng Tiến Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình chia sẻ: Bệnh nhi vào đây rất đa dạng với các mặt bệnh, độ tuổi khác nhau, trong đó có 7 bệnh nhi phải điều trị nhiều năm. Sự sống của những bệnh nhi này phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, trang thiết bị y tế và sự chăm sóc tích cực của các nhân viên y tế. Việc điều trị cho các bệnh nhi gặp nhiều khó khăn, vất vả do trẻ đã phải can thiệp nhiều lần, khó thực hiện được các thủ thuật như: lấy ven, đặt nội khí quản... Bên cạnh đó, do nằm lâu trên giường bệnh, có sẵn bệnh nền sức đề kháng yếu dễ gặp các biến chứng, ảnh hưởng về đường tiêu hóa, xương khớp hay thiếu vitamin... Vì thế, nhân viên y tế phải thường xuyên kiểm tra, xoay trở người bệnh hạn chế biến chứng.

Trong phòng bệnh, đứng bên cạnh đứa con nhỏ điều trị nhiều năm tại Khoa Hồi sức tích cực, chị Bùi Thị Uyên (Hưng Hà) - mẹ bệnh nhi Phạm Hữu Quang Minh xúc động chia sẻ: Con tôi bị teo cơ tủy kèm theo suy hô hấp, suy đa tạng, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình từ năm 2016. Với bệnh của cháu thường chỉ duy trì sự sống 18 - 24 tháng song nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo, coi cháu như người thân của các bác sĩ, nhân viên y tế, cháu vẫn đang duy trì được sự sống. Đây được xem là một kỳ tích, niềm vui rất lớn với gia đình. Ở đây, các bác sĩ không chỉ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mà luôn động viên, quan tâm khích lệ về tinh thần cho người nhà. Đó là điều chúng tôi rất trân quý, không bao giờ quên.

Không chỉ có bệnh nhân điều trị lâu năm, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình còn thực hiện chăm sóc, điều trị trẻ sinh cực non. Có những bệnh nhi sinh non 28 tuần tuổi, nặng 1kg, các chức năng, bộ phận trong cơ thể chưa hoàn thiện và dễ mắc bệnh bởi sức đề kháng kém. Song với tinh thần trách nhiệm, sau một thời gian nỗ lực hết mình, các bác sĩ đã giúp bệnh nhi có thể cai máy, tự ăn và ra khỏi khu vực chăm sóc, điều trị đặc biệt.

Bác sĩ Hoàng Tiến Thành cho biết thêm: 15 năm công tác, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp phải đối mặt với những “pha cân não” để cấp cứu cho người bệnh. Niềm vui với chúng tôi là những bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tưởng không qua khỏi đã được cứu thành công. Điều đó đã tạo động lực để chúng tôi thực hiện tốt hơn slogan: “Hồi sức tích cực - giành lại sự sống”.

Có rất nhiều khoa, phòng tại các đơn vị y tế trong tỉnh vẫn luôn sáng điện dù ngày nghỉ hay lễ, tết. Công việc khó khăn, vất vả và áp lực nhưng khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều hiểu được sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình. Lời thề Hipocrates luôn là lời nhắc nhở họ trong công việc hàng ngày.

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình hiện có 7 bệnh nhân nặng phải điều trị nhiều năm.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày