Thứ 5, 20/02/2025, 22:10[GMT+7]

Cao cả sứ mệnh người thầy thuốc Kỳ 2: Vững vàng phòng tuyến chống dịch

Thứ 3, 18/02/2025 | 08:46:25
1,297 lượt xem
Nếu ở các cơ sở khám chữa bệnh, áp lực với cán bộ, nhân viên y tế là những phút giây “cân não” giành giật sự sống cho người bệnh thì với đội ngũ làm công tác y tế dự phòng, việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch, không cho dịch lây lan lại là nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề. Lao vào tâm dịch, cán bộ, nhân viên y tế phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao song họ không quản ngại khó khăn vì nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu.

Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động xét nghiệm phòng, chống bệnh tật.

Hơn 10 năm làm công tác y tế dự phòng, chị Bùi Thị Quỳnh Trang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương không thể nhớ hết số lần mình đã xuống cơ sở điều tra, xác minh ổ dịch, khoanh vùng, hướng dẫn phòng, chống dịch từ dịch Covid-19 đến sốt xuất huyết, sởi... 

Chị Trang chia sẻ: Dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca mắc giảm đáng kể song một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, thủy đậu, cúm... vẫn lưu hành kèm theo một số dịch bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập. Do đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm thường xuyên bám sát địa bàn được phân công phụ trách. Khi có ca mắc, ổ dịch, cán bộ, nhân viên y tế sẽ xuống cơ sở phối hợp với cán bộ trạm y tế, y tế thôn xác minh, điều tra dịch tễ, hướng dẫn tuyên truyền vệ sinh môi trường, phun hóa chất, tìm nguồn lây và quản lý ổ dịch cũ. Trong năm 2024, một số xã trong huyện ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao như Vũ Ninh, Vũ An. Bất kể ngày mưa hay nắng, tôi cùng đồng nghiệp đều xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Dù còn những khó khăn như người dân còn lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch, việc vệ sinh môi trường chưa triệt để, cán bộ y tế phải hỗ trợ cùng gia đình thu gom rác thải... song với quyết tâm cao, các ổ dịch đã được kiểm soát.

Với những cán bộ làm công tác phòng, chống dịch, kiểm soát bệnh tật trong tỉnh, việc đi sớm về tối là chuyện thường diễn ra khi có dịch, thậm chí là làm việc cả ngày nghỉ, lễ, tết. Bất kỳ lúc nào có thông tin về dịch, họ đều lập tức lên đường bởi phòng, chống dịch không thể lơ là, chậm trễ, không sợ khó, sợ khổ, sợ lây nhiễm. Sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những cán bộ đã bám trụ ở trạm cả tháng không về nhà, làm việc với cường độ cao để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Thời điểm ấy, những “chiến binh áo trắng” đã trở thành một trong những phòng tuyến vô cùng quan trọng ngăn chặn, kiểm soát, khống chế không cho dịch lây lan trên địa bàn tỉnh.

Qua nhiều năm hoạt động, đến nay nhờ sự góp sức của đội ngũ làm công tác kiểm soát bệnh tật nói riêng, cán bộ y tế dự phòng nói chung, hệ thống y tế dự phòng của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với nhiều đại dịch, dịch bệnh nguy hiểm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu y tế. Nhiều dịch bệnh đã được dự phòng sớm, giám sát, phát hiện, xử lý, khống chế hiệu quả như cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, dịch sởi, sốt rét, đại dịch Covid-19.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ phun khử khuẩn tại một số địa phương bị ngập úng sau bão Yagi (năm 2024).

Sau đại dịch Covid-19, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng ca mắc, một số dịch bệnh vẫn lưu hành và xuất hiện các dịch bệnh mới nổi tại nhiều quốc gia tiếp tục đặt ra thách thức với đội ngũ làm công tác y tế dự phòng. 

Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm cần quan tâm là viêm phổi trên người tại Trung Quốc, cúm mùa, sốt xuất huyết và một số bệnh tái nổi, mới nổi cảnh báo cần sẵn sàng kế hoạch đáp ứng với tinh thần luôn cảnh giác cao với dịch bệnh. Mục đích giảm tối đa trường hợp mắc, tử vong, kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững bệnh lạ, mới nổi, tái nổi và bệnh lưu hành, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, giám sát, xử lý 100% ca bệnh, ổ dịch sởi, ho gà, bạch hầu, viêm màng não...

Không ai biết trước dịch bệnh có thể xâm nhập khi nào. Áp lực, khó khăn, vất vả với cán bộ, nhân viên làm công tác y tế dự phòng sẽ rất lớn nếu để dịch lây lan, bùng phát. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh tới cơ sở, tinh thần luôn cảnh giác cao với dịch bệnh, “thành trì” phòng, chống dịch sẽ được giữ vững, các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.


(còn nữa)

Hoàng Lanh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày