Thứ 4, 16/04/2025, 09:06[GMT+7]

Tránh sa bẫy, mua thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng

Thứ 5, 10/04/2025 | 09:54:08
1,510 lượt xem
Hiện nay, không chỉ được bày bán trực tiếp tại các cửa hàng, hiệu thuốc, thực phẩm chức năng còn được bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Vì doanh thu, lợi nhuận, người bán hàng còn thổi phồng chức năng, công dụng của sản phẩm gây nhầm lẫn cho người mua, người tiêu dùng.

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra tại cơ sở có trưng bày, bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng.

Nghe theo lời quảng cáo về một sản phẩm có công dụng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ, cải thiện sức khỏe, bà Phạm Thị Thanh Mai (thành phố Thái Bình) đã mua 2 hộp về sử dụng và chia sẻ với người thân mua được sản phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên, khi người thân quét mã vạch trên vỏ hộp thì thông tin sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Sau đó, bà Mai đã phải vứt bỏ sản phẩm vì sợ uống sẽ gây tác dụng phụ. 

Cũng giống như bà Mai, bà Cao Thị Phương (Vũ Thư) được giới thiệu về sản phẩm được ghi trên vỏ hộp là hoạt huyết dưỡng não với rất nhiều tác dụng, trong đó có giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não. Vốn có người thân bị rối loạn tiền đình, bản thân lại hay bị đau đầu nên khi được nghe những lời quảng cáo về sản phẩm bà Phương đã mua 2 hộp với giá hơn 1 triệu đồng. Thế nhưng, khi về nhà mở sản phẩm thấy bên trong méo mó, giống như bị làm nhái, thiếu tin tưởng nên bà Phương đã không dám sử dụng sản phẩm. 

Hiện nay có đa dạng các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung được bày bán trên thị trường. Với các thủ đoạn, chiêu trò, người bán không ngại thổi phồng chức năng, công dụng của nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm tưởng thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh như thuốc hoặc là ‘thần dược". Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều người mua phải thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng. Gần đây, trên Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đã đưa các bài viết như: “Tìm hàng ngàn bị hại trong vụ án lừa bán thực phẩm chức năng thành thuốc trị bệnh”; “Bán thuốc đông y, thực phẩm chức năng qua mạng, lừa hơn 3 nghìn người”... Hàng nghìn người bị hại là con số đáng báo động, và đây mới chỉ là những trường hợp được phát hiện, có thể còn rất nhiều người chấp nhận mất tiền mà chưa dám lên tiếng trong những lần mua bán thực phẩm chức năng trôi nổi khác. 

Tại Thái Bình, từ năm 2022 đến nay, Phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế đã xử lý vi phạm hành chính đối với 6 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn với tổng số tiền là hơn 119 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng An toàn thực phẩm cũng đã thực hiện kiểm tra đột xuất, lập biên bản vi phạm và tham mưu thanh tra Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp vì lưu hành sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn đã công bố, bị xử phạt hơn 7 triệu đồng. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế cho biết: Bất kỳ loại thực phẩm nào khi vào cơ thể đều phải trải qua quá trình tiêu hóa. Việc sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc có thể khiến cơ thể không kịp hấp thụ hết, dẫn đến tích tụ, gây gánh nặng cho gan, thận. Thực phẩm chức năng cũng tiềm ẩn nguy cơ về tác dụng phụ, mà phần lớn chỉ được phát hiện trong quá trình sử dụng. Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của mỗi người là khác nhau, do đó việc có nên dùng hay không, dùng liều lượng bao nhiêu, trong thời gian nào... cần được bác sĩ tư vấn cụ thể. Người dân nên lựa chọn sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp giấy tiếp nhận công bố hoặc đã tự công bố theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mua tại các cửa hàng uy tín; tuyệt đối không tin vào những lời quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, biến thực phẩm chức năng thành “thần dược”.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phầm được trưng bày tại một cơ sở có địa chỉ tại thành phố Thái Bình.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày