Chủ nhật, 30/06/2024, 23:30[GMT+7]

Bảo đảm an toàn trong tiêm chủng mở rộng

Thứ 3, 26/11/2013 | 09:32:16
1,351 lượt xem
Thời gian qua, thông tin về việc trẻ tử vong sau khi tiêm chủng ở một số tỉnh, thành phố trong nước khiến không ít người - nhất là các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng, không yên tâm khi đưa con em mình đến trạm y tế tiêm chủng. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ ổn định tỷ lệ trẻ đến tiêm và bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm chủng.

Cho trẻ em uống Vitamin A tại phường Trần Lãm (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Trước hết, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng được thực hiện nghiêm túc, sát sao. Phòng Nghiệp vụ y và Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của 287 điểm tiêm thuộc địa bàn 286 xã, phường, thị trấn. Qua thanh tra, giám sát, đến nay 100% cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng mở rộng.

Công tác củng cố, nâng cao kiến thức về an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế cũng được chú trọng. Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với trung tâm y tế 8 huyện, thành phố phổ biến quy trình chỉ định, tư vấn trước tiêm cho cán bộ y tế; tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng, cán bộ khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm. Qua đó góp phần tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trực tiếp làm công tác tiêm chủng.

Để bảo đảm chất lượng vắc-xin, Trung tâm Y tế dự phòng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ bảo quản vắc-xin các tuyến, triển khai thực hiện quy trình chuẩn về bảo quản vắc-xin. Trong tháng 10 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đưa vắc-xin Quinvaxem và viêm gan B vào tiêm chủng trở lại, nhờ làm tốt tất cả các khâu, trong đó có khâu bảo quản vắc-xin, sau tiêm toàn tỉnh chỉ có một số trường hợp phản ứng nhẹ với vắc-xin, không có trường hợp phản ứng nặng xảy ra.

Bên cạnh đó, việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các bậc phụ huynh khi đưa con em đi tiêm chủng, theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm cũng được Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Trước mỗi đợt tiêm, các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh đều tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến kiến thức các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần thực hiện, đồng thời hướng dẫn các bà mẹ những việc thực hiện trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng tại các điểm tiêm.  Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở thực hiện công tác tiêm chủng định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, số lượng không quá 50 trẻ/ngày, những địa phương có đông trẻ đến tiêm sẽ tổ chức vào ngày kế tiếp.

Trước khi tiêm, cán bộ y tế chủ động khám sàng lọc sức khỏe trẻ, kiểm tra vắc-xin, hạn sử dụng, đối chiếu với đối tượng trẻ được tiêm. Sau khi tiêm, lưu lại 30 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể trẻ đối với vắc-xin, hướng dẫn phụ huynh tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ khi có dấu hiệu bất thường - nhất là dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc nghiêm trọng thì đưa ngay đến cơ sở y tế để theo dõi, xử trí. Các cơ sở y tế công khai số điện thoại và cán bộ y tế chịu trách nhiệm thu nhận thông tin, xử trí các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Mang lại hiệu quả hàng đầu trong hoạt động y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng đem đến nhiều lợi ích tích cực, làm thay đổi cơ cấu bệnh tật có vắc-xin bảo vệ. Để tiếp tục bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho rằng, công tác truyền thông cần tránh xu hướng một chiều như nhiều năm trước khiến cộng đồng chỉ thấy mặt tốt, tích cực của tiêm chủng phòng bệnh mà chưa thấy một số tác dụng không mong muốn của các mũi tiêm dẫn đến việc người dân chưa thực sự hiểu hết về tiêm chủng mở rộng nên trước những phản ứng sau tiêm thường có thái độ hoang mang, lo lắng, thậm chí xung đột với cán bộ y tế.

Phản ứng sau tiêm như là một phần tất yếu khó tránh khỏi của tiêm chủng. Vì vậy, khuyến cáo gửi đến mỗi người dân là luôn chủ động tìm hiểu về tiêm chủng mở rộng, theo dõi sát sao các phản ứng của trẻ em sau tiêm, nếu có phản ứng xảy ra cần bình tĩnh, chủ động phối hợp với cán bộ y tế chăm sóc, xử trí, bảo đảm an toàn trong mỗi mũi tiêm, để tiêm chủng mở rộng thực sự là một chương trình ý nghĩa và hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Vũ Hường

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày