Thứ 2, 12/08/2024, 20:25[GMT+7]

Phẫu thuật tại nhà cứu sống sản phụ

Thứ 3, 10/12/2013 | 09:14:57
707 lượt xem
Bệnh viện Phụ sản Thái Bình với kíp cấp cứu ngoại viện (KCCNV) đã cứu sống thành công một sản phụ chửa ngoài tử cung vỡ trụy mạch, nguy cơ tử vong rất cao. Điều đặc biệt là sản phụ được mổ cấp cứu ngay tại gia đình.

Kíp mổ thực hiện ngay trên 2 chiếc bàn ghép lại của gia đình bệnh nhân. Ảnh do Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cung cấp

Mổ như thời chiến
Khoảng 7 giờ 20 phút ngày 4/12/2013, KCCNV Bệnh viện Phụ sản Thái Bình nhận được thông tin từ Trung tâm Vận chuyển cấp cứu (VCCC) 115 Thái Bình, bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1973 (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) bị trụy mạch tại nhà, nghi chửa ngoài tử cung vỡ. Khoảng 40 phút sau, KCCNV của bệnh viện Phụ sản Thái Bình có mặt khi BN đang trong tình trạng trụy mạch, mạch không, huyết áp không đo được. Các bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức và hội chẩn với chẩn đoán BN bị chửa ngoài tử cung vỡ trụy mạch, không thể vận chuyển được.

Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật ngay tại nhà BN. Ca phẫu thuật diễn ra trong điều kiện thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ cũng như điều kiện về ánh sáng, vô khuẩn... Bác sĩ CKI Trần Anh Tuấn, thành viên của kíp phẫu thuật cho biết: “Các bác sĩ đã phải lấy 2 chiếc bàn gồm bàn uống nước, bàn học sinh ghép lại thành bàn mổ. Đồng thời huy động toàn bộ nguồn sáng có được của gia đình mới có đủ ánh sáng để phục vụ ca phẫu thuật. Khi phẫu thuật, trong bụng BN ngập máu toàn ổ bụng (khoảng 3 lít máu cục lẫn máu loãng) được xác định là nhóm máu hiếm AB. Vì vậy, ngoài một phần máu được truyền, các bác sĩ cũng đã huy động thêm máu từ người nhà bệnh nhân (khoảng trên 1 lít). Các bác sĩ đã dùng phương pháp bóp bóng thay cho máy thở, dùng gạc thấm máu trong ổ bụng BN vì không có máy hút máu. Sau khi lấy hết máu trong ổ bụng, tìm ra khối chửa đã vỡ đang chảy máu ở vị trí góc sừng tử cung bên phải, kíp mổ đã tiến hành khâu cầm máu, bảo tồn tử cung. Sau đó lau rửa sạch ổ bụng và khâu thành bụng”. Các bác sĩ tiếp tục hồi sức cho BN, sau 30 phút, tình trạng BN tạm thời ổn định và được chuyển lên BV Phụ sản Thái Bình để tiếp tục điều trị. Đến trưa ngày 8/12 BN đã ổn định, tình trạng sức khỏe tốt.

Ngay sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Thái Bình đã thưởng kíp trực 500.000 đồng, đồng thời hỗ trợ gia đình BN 1 triệu đồng.

Cần nhân rộng mô hình cấp cứu tại nhà

Những năm qua, lĩnh vực cấp cứu ngoại viện được lãnh đạo ngành Y tế Thái Bình đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực với chất lượng, yêu cầu ngày càng cao. Tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, theo bác sĩ Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: mỗi ngày Bệnh viện bố trí 1 KCCNV (trong cả tuần), gồm 2 bác sĩ phẫu thuật, 1 bác sĩ gây mê, 2 kỹ thuật viên, phương tiện, dụng cụ luôn được chuẩn bị thường xuyên, mỗi kíp được bố trí trước một tuần để chủ động lên kế hoạch và sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho tuyến dưới. Kíp trực bao gồm các cán bộ đã qua sát hạch, chuyên môn vững vàng.

Có thể nói, ca cứu sống sản phụ Hoa là một trong rất nhiều trường hợp thể hiện tính hiệu quả của một cuộc chi viện cho tuyến dưới tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình nói riêng, các cơ sở điều trị tại Thái Bình nói chung. Có được điều này là sự kết hợp cực kỳ chặt chẽ giữa các đơn vị y tế trong toàn tỉnh Thái Bình như Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm VCCC 115, Khoa Huyết học truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)… sự phối hợp giữa tuyến trên với tuyến dưới trong việc bảo đảm thông tin liên lạc.

Cũng theo bác sĩ Đoàn Duy Mạnh, thành công của các ca cấp cứu ngoại viện còn là tinh thần thường trực, tính quyết đoán của đội cấp cứu ngoại viện. Sự quan tâm, chỉ đạo thậm chí là sự lo lắng của lãnh đạo Bệnh viện đối với toàn bộ quá trình cấp cứu ngoại viện. Ngoài ra còn là (sự phối hợp tốt giữa Trường Đại học Y Thái Bình trong công tác đào tạo cán bộ.

Nguyễn Hiệu
(Trung tâm TTGDSK tỉnh)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày