Thứ 6, 09/08/2024, 01:23[GMT+7]

Tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Thứ 3, 18/02/2014 | 09:09:59
891 lượt xem
Thời gian qua, bệnh dịch nguy hiểm (cúm A/H5N1, H7N9, H10N8) diễn biến phức tạp với số ca mắc và tỷ lệ tử vong tăng cao. Dịch sởi cũng bùng phát ở 5 tỉnh, thành phố. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh xoay quanh nội dung trên.

Lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Phóng viên: Dịch cúm A/H5N1, bệnh sởi ở một số địa phương trong nước đang diễn biến khá phức tạp, vậy ông có nhận định và đánh giá về tình hình dịch bệnh ở Thái Bình hiện nay như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm: Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Thái Bình đã giám sát, quản lý, xử lý, kiểm soát tốt các ổ dịch và các bệnh truyền nhiễm nên toàn tỉnh không xảy ra dịch lớn, dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, qua giám sát 1.301 mẫu bệnh phẩm của người có hội chứng cúm (nghi cúm) ở các tuyến có 17,6% dương tính với vi rút cúm. Trong đó, 39,3% do cúm A/H1N1/2009, 30,1% do cúm A/H3, còn lại do cúm B và phối hợp.

Ðến nay, Thái Bình chưa phát hiện trường hợp sốt phát ban dương tính với vi rút sởi. Còn một số bệnh truyền nhiễm như: tay - chân - miệng, thủy đậu, quai bị, sốt xuất huyết Dengue, tiêu chảy cấp, viêm gan vi rút, liên cầu lợn (đa số có ăn tiết canh) vẫn xuất hiện lẻ tẻ, rải rác. Hiện nay điều kiện thời tiết lạnh ẩm rất thuận lợi để các mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn tồn tại lâu hơn trong môi trường bên ngoài và phát triển nhanh; niêm mạc đường hô hấp dễ bị tổn thương, điều kiện sinh hoạt ăn ở khó khăn nên rất dễ để mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, phát sinh, phát triển nhanh để gây dịch bệnh.

Cúm A/H5N1 luôn sẵn có ở gia cầm, tại một số địa phương có ổ dịch nhỏ  như ở Nam Ðịnh giáp với tỉnh ta, cúm A/H7N9 đã cận kề biên giới. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến trên địa bàn, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm cũng khó kiểm soát triệt để. Dịch sởi cũng đã có ở một số tỉnh theo chu kỳ (3-4 năm/lần và vụ dịch sởi năm 2009 - 2010 đã từng có ở Thái Bình), trong tiêm chủng vắc xin vẫn còn những lỗ hổng bởi tỷ lệ miễn dịch cho trẻ trong cộng đồng không thể đạt 100% do nhiều yếu tố. Mấy năm qua, do quá lo ngại và hiểu chưa đầy đủ về những phản ứng sau tiêm nên nhiều gia đình chủ quan hoặc bỏ mũi tiêm vắc xin cho trẻ. Với bối cảnh trên nếu chủ quan thì cúm A/H5N1 thậm chí cúm A/H7N9, sởi hoàn toàn có thể xảy ra ở Thái Bình cùng với một số bệnh truyền nhiễm thường gặp khác. 

Phóng viên: Thời gian qua, ngành y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm: Ngành y tế đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh năm 2014 và triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân biết tình hình diễn biến, mối nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nhất là dịch cúm A (H5N1, H7N9), chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, bố trí nhân lực theo dõi giám sát dịch bệnh tới tận cơ sở thôn; việc thu thập thông tin, báo cáo nhanh dịch bệnh qua mạng Internet đã được thiết lập. Phối hợp với các ngành, địa phương huy động nhân lực tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch môi trường, tập trung tại mỗi gia đình, các nơi công cộng, khu đông dân cư, nhà máy, trường học. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế huyện, y tế xã, thôn về kỹ năng tuyên truyền, chỉ đạo và giám sát dịch bệnh.

Trong quý I, II/2014, Trung tâm sẽ phối hợp chỉ đạo, tổ chức các chiến dịch truyền thông dưới hình thức như sân chơi Văn hóa làng, mở cuộc thi tìm hiểu về dịch cúm A/H5N1, H7N9 đồng thời tổ chức diễn tập phòng chống dịch quy mô cấp tỉnh nhằm nâng cao khả năng, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Phóng viên: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tuy nhiên một số người dân vẫn có tư tưởng chủ quan. Vậy, ông có thể đưa ra khuyến cáo gì để người dân biết cách phòng, tránh các bệnh dịch, nhất là dịch cúm nguy hiểm?

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm: Trước hết, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống: nơi ở phải ấm, thông thoáng, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong điều kiện thời tiết rét ẩm như hiện nay, mọi người phải mặc đủ ấm, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các gia đình có người già, trẻ nhỏ cần chú trọng bảo vệ sức khỏe, thực hiện tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Mỗi gia đình nên bố trí nơi cách ly tại nhà ở trong phòng riêng hoặc khu riêng khi trong nhà có người mắc bệnh dịch. Nếu bản thân và người thân trong gia đình có các biểu hiện nghi cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở hay sốt phát ban nghi sởi hoặc có biểu hiện của bệnh dịch nào đó thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn theo dõi, chỉ định điều trị của cơ quan y tế để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hình

(Thực hiện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày