Chủ nhật, 28/07/2024, 11:41[GMT+7]

Bệnh viện Nhi Gồng mình đối phó với dịch sởi

Thứ 2, 21/04/2014 | 09:13:56
855 lượt xem
Bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến từ đầu tháng 3 đến nay khiến công tác điều trị tại Bệnh viện Nhi trở nên nóng bỏng. Khoa Cấp cứu Hồi sức Chống độc có 30% là bệnh nhân sởi. Tại Khoa Truyền nhiễm, từ 20 giường bệnh kế hoạch, Bệnh viện đã phải kê tăng lên 40 giường để đáp ứng yêu cầu điều trị song vẫn còn tình trạng 2 bệnh nhân/giường.

Chuyển ra nằm tại hành lang là cách lựa chọn của nhiều gia đình bệnh nhân khi phòng bệnh quá chật hẹp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: Chưa có năm nào, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm phải nhập viện điều trị tăng cao như năm nay. So với cùng kỳ các năm trước, lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần và tăng suốt từ sau tết đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Nếu như những năm trước, các bệnh truyền nhiễm tập trung là cúm, tay chân miệng, năm nay đã xuất hiện bệnh nhân mắc sởi và con số này đã tăng đột biến. Từ ca đầu tiên chẩn đoán mắc sởi nhập viện ngày 4/3/2014, lũy tích đến ngày 16/4, số bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện điều trị tại riêng Khoa Truyền nhiễm đã tăng lên 130 bệnh nhân.

Tại Khoa Cấp cứu Hồi sức Chống độc, số lượng bệnh nhân sởi chiếm 30% số lượng bệnh nhân điều trị. Ðiều nguy hiểm nhất trong dịch sởi này là virut sởi biểu hiện biến thể, động lực mạnh và khó kiểm soát. Không còn tồn tại theo lý thuyết thông thường là mắc ở trẻ trên 9 tháng tuổi mà bệnh sởi đã xuất hiện ở bệnh nhân hầu hết các lứa tuổi, diễn biến bệnh nhanh, phức tạp. Qua giám sát điều trị ghi nhận bệnh nhân mắc sởi thấp nhất là 34 ngày tuổi. Hầu hết bệnh nhân nhập viện đều ở mức độ khá nặng, đã có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa mủ, tiêu chảy…

Bệnh nhân tăng đột biến song cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, trang thiết bị không được bổ sung, tăng cường nên cả Bệnh viện Nhi đang gồng mình đối phó với bệnh dịch sởi. Tại Khoa Cấp cứu Hồi sức Chống độc với 15 giường bệnh, hơn 30% số giường bệnh là bệnh nhân sởi. Bệnh viện đã chỉ đạo dành riêng Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi. Tất cả số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm thể nhẹ, Bệnh viện đã thực hiện chuyển điều trị tại phòng bệnh truyền nhiễm ở các khoa khác để giảm sức ép điều trị tại khoa truyền nhiễm và phòng lây chéo.

Mặc dù vậy, Khoa Truyền nhiễm vẫn có trung bình 40 - 50 bệnh nhân mắc sởi điều trị/ngày, ngày cao nhất có 68 bệnh nhân. Tại Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm, bà Tạ Thị Lê (xã Ðông Hải, Quỳnh Phụ) cho biết: Cháu ngoại của bà được 2,5 tháng tuổi nhưng đã có hơn 1 tháng phải nằm viện điều trị do bị sởi biến chứng dẫn đến viêm phổi. Không chỉ có gia đình bà Lê, tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi mắc sởi khá cao và hều hết các bé đều phải nằm viện điều trị từ hai tuần đến hơn 1 tháng. Bệnh nhân gia tăng, thời gian điều trị kéo dài khiến cho sự quá tải tại Khoa Truyền nhiễm càng trở nên nóng bỏng.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện nói chung, Khoa Truyền nhiễm nói riêng cũng rất thiếu thốn. Cả Bệnh viện hiện chỉ có 4 máy thở phục vụ tại Khoa Cấp cứu Hồi sức Chống độc.

Bác sĩ Vũ Thanh Liêm, Trưởng khoa cho biết: Có những ngày, 3/4 máy thở dùng để phục vụ bệnh nhân sởi. Các khoa khác chỉ được trang bị 2 máy hút dịch nên trong điều trị, với hầu hết các kỹ thuật cần hỗ trợ của máy móc, thiết bị như hút dịch, tiêm truyền, hỗ trợ thở, các cán bộ phải thực hiện bằng phương pháp thủ công như bóp bóng, tiêm truyền bằng tay.

Trong điều kiện bệnh nhân tăng cao gấp hơn 2 lần so với bình thường nên việc đáp ứng với công việc điều trị càng thêm vất vả. Việc phòng lây chéo mặc dù đã được Bệnh viện thực hiện hết sức nghiêm ngặt thông qua việc đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thuốc sát khuẩn phục vụ cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân song trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, bệnh nhân đông, vấn đề lây chéo trở nên khó kiểm soát. Mặc dù đang phải gồng mình đối phó với bệnh dịch sởi gần 2 tháng nay, song Bệnh viện chưa được tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, vật tư nên việc điều trị càng khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Chính cho biết, đã 1,5 tháng đối phó với bệnh sởi, chế độ cho cán bộ làm việc vẫn không có gì ngoài sự động viên anh em hết mình vì người bệnh. Tại Khoa Truyền nhiễm, từ khi bệnh sởi bùng phát, phòng làm việc của trưởng khoa đã chuyển thành phòng điều trị cho bệnh nhân, từ 20 giường kế hoạch đã phải kê tăng 40 giường.

Tại Khoa Cấp cứu Hồi sức Chống độc, bác sĩ Vũ Thanh Liêm cho biết: Toàn lực lượng cán bộ đang nỗ lực hết sức để tránh tử vong. Không chỉ tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, việc giám sát điều trị được thực hiện chặt chẽ. Khi tiếp nhận bệnh nhân, coi trọng công tác tư vấn để người nhà bệnh nhân yên tâm trong việc phối hợp với bệnh viện trong điều trị. Kết quả ghi nhận đến ngày 17/4 chưa có bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện do sởi.

Ðến Bệnh viện Nhi trong những ngày quá tải mới thấy rõ sự cấp thiết của việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bệnh viện. Trong khi số lượng bệnh nhân mắc sởi chưa giảm, diễn tiến của bệnh dịch sởi ngày càng phức tạp trên cả nước, hơn lúc nào hết, Bệnh viện Nhi đang cần sự quan tâm đầu tư về trang thiết bị cũng như sự phối hợp tích cực của gia đình bệnh nhân trong quá trình điều trị để đối phó với đợt dịch nguy hiểm.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày