Thứ 5, 25/07/2024, 06:43[GMT+7]

Khoảng 4 triệu người Việt Nam bị hen phế quản

Thứ 4, 07/05/2014 | 16:56:17
570 lượt xem
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), người mắc bệnh hen phế quản ở nước ta hiện nay chiếm tới 3,9% dân số với khoảng 4 triệu người đang mắc bệnh. Trong đó, trẻ em chiếm 3,3%, người lớn là 0,3%.

Đo chức năng hô hấp cho người bị hen phế quản.

Người bị bệnh hen phế quản (HPQ) là do cơ thể có yếu tố dị ứng khi thời tiết chuyển lạnh, nóng đột ngột hoặc tiếp xúc với môi trường bụi bặm, phấn hoa, khói thuốc lá, lông động vật... dễ bị kích hoạt cơn hen suyễn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, trong khoảng 4 triệu người Việt Nam bị HPQ có tới 60% người gặp sai lầm trong cách điều trị, khiến bênh nặng có thể dẫn tới tử vong.

Hen là một bệnh mạn tính về đường hô hấp, trong cơn thì khó thở, còn ngoài cơn thì cơ thể trở lại bình thường, vì vậy mọi người thường chủ quan bệnh dễ chữa, thậm chí còn nhiều người không muốn thừa nhận mình bị bệnh vì sợ mang tiếng xã hội, sợ sử dụng thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cơ thể (nhất là ở trẻ em).

Thực tế, khi bệnh nhân hen có cơn khó thở cấp tính, rất dễ dẫn tới suy hô hấp và có thể tử vong. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh HPQ phải nhập viện điều trị trong tình trạng khó thở nặng, cá biệt có trường hợp ngừng thở ngay trong quá trình khám bệnh.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh điều trị lâu dài mà không được quản lý, tự điều trị cũng sẽ gây ra những hậu quả khó lường như có thể từ bệnh phổi dẫn đến bệnh tim, khi đó điều trị rất khó khăn.

PGS Đoàn dẫn chứng, đã có trường hợp bệnh nhân hen phế quản điều trị không đúng cách để lại những tai biến như tăng huyết áp, mặt to tròn, tăng cân nhưng tay chân lại nhỏ, bị tiểu đường… Nếu để lâu sẽ bị loét dạ dày, tá tràng, loãng xương, rối loạn tâm thần, đặc biệt đối với trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này.

Đặc biệt, đối với trẻ em có khi chỉ có biểu hiện ho kéo dài hoặc thở khò khè khi nhiễm trùng hô hấp nên thường bị bỏ sót chẩn đoán, chỉ được chẩn đoán là viêm tiểu phế quản, hoặc viêm phế quản dạng hen... và được điều trị chưa đúng mức (chỉ dùng kháng sinh và thuốc giảm ho vốn là những thuốc không có chỉ định trong điều trị hen).

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện để chữa trị và kiểm soát kịp thời, trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học hành, vui chơi, ảnh hưởng đến trí thông minh và chiều cao vì não thiếu oxy; người lớn bị giảm khả năng lao động…

Tuy nhiên, thực tế, HPQ có thể được kiểm soát hiệu quả nếu người bệnh được chẩn đoán đúng bệnh, được điều trị đúng cách, khoa học, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong đó, nếu được tiếp cận với phương pháp điều trị mới, tức là sử dụng thuốc dạng xịt điều chỉnh giảm liều thì người bệnh sẽ kiểm soát được cơn hen và dự phòng tái phát tốt hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cần phải thường xuyên chú ý môi trường sống xung quanh, như tránh các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn hen gồm phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm mốc…; phải sử dụng thuốc dự phòng hằng ngày đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn.

Các dấu hiệu phát hiện bệnh hen phế quản gồm ho, khò khè, tức ngực, khó thở. Bốn dấu hiệu này nếu xuất hiện tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt về đêm và sáng, liên quan đến thời tiết, dùng thuốc giãn phế quản mà có hiệu quả thì đó là bệnh hen. Lúc này, người bệnh cần phải được đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày