Thứ 7, 24/05/2025, 13:37[GMT+7]

Đẩy mạnh xã hội hóa điều trị cai nghiện bằng Methadone

Thứ 3, 20/05/2014 | 09:16:11
1,087 lượt xem
Được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, tháng 10/2012 cơ sở điều trị Methadone tại thành phố Thái Bình thành lập, đi vào hoạt động đến nay đã khẳng định hiệu quả không chỉ đối với người nghiện chích ma túy mà với cả gia đình người mắc nghiện, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, trước nhu cầu điều trị tăng cao, việc xây dựng đề án nhằm đẩy mạnh xã hội hóa điều trị cai nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone để bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của chương trình.

Điều trị Methadone tại Trung tâm Y tế Thành phố. Ảnh: Thành Tâm

Những liều thuốc hướng thiện

Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thái Bình hiện có 230 người uống Methadone điều trị nghiện ma túy. Sau hơn 1 năm triển khai, hiệu quả điều trị có những chuyển biến tích cực: không còn bệnh nhân mắc mới các bệnh truyền nhiễm như lao, HIV, viêm gan B, C, trên 50% bệnh nhân tăng cân. Sau tháng thứ 3 điều trị, số người sử dụng ma túy giảm còn 34,8%, sau điều trị tháng thứ 6 giảm còn 2% và sau điều trị tháng thứ 10 không còn trường hợp xét nghiệm dương tính với ma túy. Trên 75% bệnh nhân trước đó vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản để lấy tiền mua ma túy, tuy nhiên sau điều trị 1 tháng tỷ lệ phạm tội của bệnh nhân giảm từ 75% xuống còn 5,1% và sau 10 tháng không còn bệnh nhân nào vi phạm pháp luật.

Về việc làm: trước điều trị có 35,6% bệnh nhân có việc làm thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này tăng lên 60,3% và sau 10 tháng là 80%; mặc dù nhiều bệnh nhân chỉ làm những công việc đơn giản, thời vụ hoặc phụ giúp gia đình song đây cũng là giải pháp tốt hỗ trợ thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nghiện chích ma túy. Đặc biệt, chương trình điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: trước đó, trung bình mỗi ngày bệnh nhân tiêu tốn 321.000 đồng, cá biệt có người nghiện chi hết 1,8 triệu đồng nhưng chi phí khi uống Methadone chỉ hết 27.000 đồng/ngày (hiện tại người sử dụng đang được hỗ trợ sử dụng miễn phí).

Hiện nay, chương trình điều trị Methadone tại Thành phố đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Bản thân nhiều người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện coi Methadone như liều thuốc “hướng thiện” giúp họ làm lại cuộc đời.

Anh N.V.B ở phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) chia sẻ: “Tôi bị nghiện 15 năm nay, trung bình mỗi ngày chi 300 - 500 nghìn đồng để mua ma túy sử dụng. Tiền không có, sức khỏe yếu, kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhưng sau khi được uống Methadone tại Trung tâm Y tế Thành phố, tôi không còn sử dụng ma túy, sức khỏe tăng, tôi có thể đi làm để có thêm thu nhập. Mẹ tôi và anh em trong gia đình đều mừng, hàng xóm cũng nhìn mình với con mắt thiện cảm hơn”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: “Trước đây, khi Thành phố quyết định thành lập cơ sở điều trị Methadone cũng có một số cán bộ nghi ngờ tính hiệu quả bởi trên địa bàn đã có Trung tâm Chữa bệnh giáo dục - Lao động xã hội. Tuy nhiên, sau khi thấy bệnh nhân uống Methadone cải thiện tốt về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ, an ninh trật tự được bảo đảm thì mọi người đều mong muốn mở rộng quy mô điều trị”.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong điều trị

Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh và Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 5.346 người nghiện chích ma túy, trong đó số đang sinh sống tại cộng đồng khoảng 5.000 người, còn lại được quản lý cai nghiện tập trung tại các trung tâm. Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát tình trạng sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS như: quản lý cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết những người nghiện sau cai nghiện lại tái nghiện, số hoàn toàn từ bỏ ma túy rất ít. Trong khi chương trình điều trị Methadone được tổ chức tại cộng đồng, không phải cai nghiện tập trung, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường máu, giảm tệ nạn, tội phạm xã hội… là bằng chứng khoa học có thể nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Nhu cầu được điều trị Methadone của người nghiện ma túy hiện rất lớn, nhưng con số cung cấp dịch vụ cho 230 người tại thành phố Thái Bình mới chỉ chiếm 4,3%. Thêm vào đó, từ năm 2013 đến nay, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ chương trình điều trị đã cắt giảm kinh phí 50% tài trợ nên việc duy trì hoạt động của cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo Bác sĩ Phạm Văn Dịu: Ước tính thời điểm hiện tại tổng chi phí duy trì hoạt động cho một cơ sở Methadone có 200 bệnh nhân hơn 1,47 tỷ đồng/năm, trong điều kiện nguồn tài trợ bị cắt giảm, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì duy trì 1 cơ sở đã khó, không nói đến chuyện mở thêm những cơ sở điều trị khác. Nếu muốn tạo thêm cơ hội cho nhiều người nghiện chích ma túy được uống Methadone thì phương án tốt nhất là thực hiện xã hội hóa tại cơ sở điều trị  thông qua việc người được điều trị đóng một số tiền nhất định sẽ góp phần tạo nên sự bền vững của chương trình. Thực tế tại một số tỉnh, thành phố đã mở cơ sở điều trị Methadone theo hình thức xã hội hóa và hoạt động phát huy hiệu quả.

Vừa qua UBND tỉnh đã nghe đề án xã hội hóa công tác điều trị cai nghiện bằng Methadone. Đại diện lãnh đạo của một số ngành chuyên môn, 8 huyện, thành phố đều nhất trí mở rộng mô hình xã hội hóa. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ mở thêm 8 cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và 7 huyện. Vấn đề quan trọng hiện nay là tỉnh cần đưa ra lộ trình xã hội hóa phù hợp, tính mức thu phí dịch vụ điều trị hợp lý với điều kiện thực tiễn. Chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức gặp gỡ bệnh nhân và gia đình của họ để thống nhất tư tưởng, có sự cam kết hợp tác cùng cơ sở, đồng hành hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Đồng thời liên kết với các trường nghề, các cơ sở dịch vụ đào tạo, dạy nghề, việc làm để tổ chức tư vấn học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định tâm lý và cuộc sống cho bệnh nhân.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày