Thứ 5, 08/08/2024, 02:19[GMT+7]

Tránh lây nhiễm khi cúm đã vào nhà

Thứ 5, 22/05/2014 | 09:31:13
602 lượt xem
Cúm có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bởi vậy khi một người trong nhà mắc cúm, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì rất dễ khiến cho cả nhà bị nhiễm theo.

Nên sử dụng khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người bị cúm. Ảnh minh họa

Chăm sóc đúng cách cho người bị cúm

TS.BS Lê Thanh Toàn, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho hay, khi bị cúm, điều quan trọng đầu tiên là cần hạ nhiệt cơ thể. Ngoài ra, cúm thường làm cho cơ thể mỏi mệt, chán ăn vì vậy cần chú ý ngủ nghỉ, ăn đủ chất, bổ sung đủ nước đẩy nhanh sự bài tiết chất thải ra ngoài, giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Nguyên tắc của người nhiễm cúm là không ăn các thức ăn lạnh, cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi như cam, chanh…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Ngoài ra, nên cho bệnh nhân ăn các món ăn giải cảm như cháo hành tăm, cháo lá tía tô ăn nóng… Không nên ăn quá nhiều đường.

Hiện nay có 4 loại thuốc kháng virus đã được sử dụng. Các thuốc này ngăn sự nhân lên của virus cúm. Nếu uống thuốc trước khi bị bệnh hay trong hai ngày đầu của bệnh, có thể phòng được nhiễm bệnh hay giảm số ngày bị bệnh.
 
Phòng tránh lây nhiễm với những người trong gia đình

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi có người trong gia đình mắc cúm cần cách ly bệnh nhân với những người không bị mắc bệnh ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng biểu hiện.

Đồ dùng của người ốm (như bát, đũa, thìa, cốc, chén…) hàng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người. Tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bệnh.

Tất cả đồ vật xung quanh bạn đều có thể là nơi trú ngụ của virus. Do vậy, bạn cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Thay ga trải giường, chăn gối thường xuyên. Sử dụng các chất tẩy rửa dạng cồn để làm sạch đồ dùng và các vật dụng trong nhà. Virus chỉ có thể sống 2-3 giờ bên ngoài cơ thể con người, chúng không thích hợp trong môi trường không khí thoáng đãng, sạch sẽ. Vì vậy cần thường xuyên mở cửa sổ, cửa phòng ngủ để làm sạch không khí trong nhà. Mỗi ngày ít nhất mở cửa sổ khoảng 3 lần, mỗi lần từ 10 – 30 phút để tạo sự thông thoáng, cũng là để tiêu diệt virus cúm.
 
Đối với trẻ

Trường hợp bị cúm là người mẹ đang cho con bú thì mẹ cần đeo khẩu trang mỗi khi gần con. Trong thời gian đang cúm trong vòng 5 ngày đầu, mẹ không nên ôm ấp con, nên ngủ riêng giường.

Trẻ em hay bị cúm vì hệ miễn dịch còn yếu nên không đủ khả năng chống lại virus khi xâm nhập vào cơ thể. Vì thế cần cho con đi tiêm vaccine phòng cúm ngay khi người trong gia đình nhiễm cúm.
 
Người mang thai

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu nhiễm cúm có thể gây dị tật thai nhi. Do vậy, khi người trong nhà bị cúm mà bạn đang mang thai, tốt nhất bạn cần ở riêng một phòng, tránh giao tiếp và dùng chung các đồ dùng. 
 
Người già

Để phòng tránh lây nhiễm cúm cho người già, ngoài việc tăng cường ăn uống đầy đủ, người già nên bổ sung thêm vi chất đặc biệt là vitamin C và kẽm. Đây là những chất giúp nâng cao hệ miễn dịch, tái tạo các tế bào bạch cầu và thúc đẩy kháng thể phục hồi nhanh, dễ dàng chống lại các bệnh lây nhiễm.

Người già có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng khi mắc cảm cúm vì thường hay bị các bệnh như tim, phổi,  hen, bệnh thận mạn tính dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch.

Theo giadinh.net.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày