Thứ 6, 11/10/2024, 13:17[GMT+7]

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh tay chân miệng

Thứ 3, 27/05/2014 | 08:32:10
850 lượt xem
Thời điểm này, bệnh tay - chân - miệng đang bùng phát mạnh trong cả nước với hơn 20.500 trường hợp mắc ở hầu hết các tỉnh, thành. Tại Thái Bình, lũy tích số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến ngày 21/5/2014 là 35 trường hợp, chưa có bệnh nhân tử vong. Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh dịch có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, mỗi gia đình cần nêu cao ý thức chủ động phối hợp với ngành chuyên môn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống không để bệnh lây lan

Cán bộ Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình khám và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Ảnh: Hiền Trâm

Đến nay, tại 8 huyện, thành phố đều đã phát hiện bệnh nhân mắc tay chân miệng. Trong đó Kiến Xương, Thái Thụy và thành phố Thái Bình có số mắc cao hơn. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, ngày 9/5/2014, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Trong đó, đặc biệt chú trọng giám sát các ca bệnh, tổ chức khám, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bùng phát trên diện rộng; tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, phân loại cách ly và ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện.

Ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng, các khu dân cư để người dân, gia đình có trẻ nhỏ, giáo viên các trường học nhận biết triệu chứng, dấu hiệu bệnh tay chân miệng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Phối hợp với các ngành, địa phương huy động nhân lực tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch môi trường, tập trung tại các nơi công cộng, khu đông dân cư, trường học. Mở lớp tập huấn cho cán bộ y tế huyện, y tế xã, thôn kỹ năng tuyên truyền, chỉ đạo và giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các ca mắc tay chân miệng đồng thời tư vấn, hướng dẫn cách điều trị. Các cơ sở y tế cũng huy động tối đa trang thiết bị, cơ số thuốc, hóa chất để thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Khoa thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân tay chân miệng. Hầu hết bệnh nhân là trẻ nhỏ, thời điểm hiện tại còn 15 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 2 trường hợp bệnh nhân nặng. Mỗi trường hợp đều được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi giám sát chặt chẽ, điều trị tích cực theo đúng phác đồ; tư vấn, hướng dẫn gia đình bệnh nhân giữ gìn vệ sinh cá nhân, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh".

Bác sĩ Đặng Thị Trang, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc-xin (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Từ tháng 6/2011, Thái Bình bắt đầu ghi nhận  các trường hợp bệnh nhân mắc tay chân miệng với số mắc cả năm 814 trường hợp, năm 2012 có 1.316 bệnh nhân mắc, năm 2013 có 564 trường hợp mắc bệnh, giảm 56,8% so với năm 2012, đến nay toàn tỉnh không có bệnh nhân tử vong. Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân mắc tay chân miệng năm nay giảm.

Tuy nhiên, thời điểm này thời tiết nắng nóng, trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng nếu chúng ta không chủ động thực hiện các biện phòng, chống. Hơn nữa, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Đến nay, cả nước đã có 2 trường hợp tử vong do tay chân miệng.

Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng nên cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi đùa, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tắm. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, sử dụng nguồn nước bảo đảm vệ sinh và phải được nấu chín, các vật dụng cho trẻ ăn uống phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng, không để trẻ ăn bằng tay, ngậm mút đồ chơi.

Nhà trường, cha mẹ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà. Các cơ sở nuôi dạy trẻ, các trường mẫu giáo khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải thông báo cho phụ huynh để trẻ ở nhà, cách ly, hạn chế lây sang những trẻ khác.

Các gia đình khi thấy trẻ có các triệu chứng như: sốt, có bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, vùng gối và vết loét ở niêm mạc miệng hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, tư vấn cách điều trị. Tuy nhiên, khi trẻ mắc tay chân miệng, các bậc cha mẹ không được chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh, điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, phòng tránh nguy cơ lây chéo các bệnh khác cho trẻ.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày