Thứ 5, 25/07/2024, 06:43[GMT+7]

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Để không chỉ là khẩu hiệu

Thứ 2, 02/06/2014 | 08:57:46
3,549 lượt xem
“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” - lời cảnh báo này lâu nay đã trở nên quá quen thuộc với mọi người. Ðầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020. Ngày 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Nhưng tại sao, hàng năm số người hút thuốc lá và số người tử vong do thuốc lá vẫn có xu hướng tăng lên?

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe

"Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe" - ai cũng biết. Khói thuốc lá một trong những nguyên nhân gây bệnh và dẫn đến tử vong của con người. Khói thuốc lá chứa trên 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 70 chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là Nicotin - chất gây nghiện. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy… 

Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới, tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ, dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới: mỗi năm Việt Namon> có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, dự báo đến năm 2030, có gần 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan sử dụng các sản phẩm thuốc lá.  

Cấm thuốc lá - nói dễ nhưng làm khó

Ngày 6/4/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2005 NÐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định cụ thể nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng.

Tại Thái Bình, thời gian qua ngành Y tế và các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức ký cam kết, phát động tuần lễ hưởng ứng ngày "Thế giới không khói thuốc lá (31/5)".

Hầu hết các cơ quan công sở, đơn vị,  trường học, bệnh viện đều gắn biển "Cấm hút thuốc lá" tại các phòng làm việc. Ðến nay, toàn tỉnh có 484 cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện "Môi trường không khói thuốc". Tuy nhiên, hầu hết các quy định, thậm chí cả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đến thời điểm này chưa thực sự đi vào cuộc sống, việc cấm thuốc lá dường như mới chỉ dừng lại ở việc cấm cho có.

Thuốc lá hiện vẫn được bày bán công khai ở tất cả mọi nơi: từ các đại lý, cửa hàng đến chợ, hàng ăn, quán cà phê, quán rượu, trà đá, căng-tin trường học… Dù là bất kỳ ai, lứa tuổi nào cũng có thể mua thuốc lá và hút ở bất kỳ đâu mà không hề bị xử phạt. Tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, thậm chí công khai trên các tuyến biên giới. Trên mỗi vỏ bao thuốc lá đều có dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, thế nhưng những chất độc hại trong thuốc lá lại không làm chết người ngay lập tức mà lại là "Kẻ giết người từ từ". Vì vậy, bất chấp những lời cảnh báo, người ta vẫn hút thuốc: cấm chỗ này thì ra chỗ khác hút, hút đến vàng răng, vàng cả ngón tay cầm thuốc, gây khó chịu cho những người xung quanh cứ hút, thậm chí bị bệnh vẫn hút.

Phải kiên quyết trong thực thi Luật và xử phạt vi phạm

Ðến nay, chúng ta đã có đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh mọi mặt của hoạt động kinh doanh mua bán, sử dụng sản phẩm thuốc lá, cái thiếu ở đây chính là sự kiên quyết của cơ quan chức năng và sự vào cuộc của cộng đồng. Vì vậy, để "nói không" với thuốc lá, trước hết đơn vị chuyên môn và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ tác hại của việc hút thuốc lá, từ đó tự điều chỉnh hành vi của mình. Mỗi người trong cộng đồng cần có thái độ kiên quyết và lên tiếng nhắc nhở những người hút thuốc lá xung quanh mình.

Bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kiên quyết thực thi Luật, cơ quan chức năng phải có quy định cụ thể, rõ ràng về người được quyền xử phạt và mức phạt cụ thể cho một lần vi phạm hút thuốc lá tại những khu vực cấm hút thuốc lá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong buôn bán, kinh doanh và sử dụng thuốc lá, kiên quyết xử phạt và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng buôn lậu thuốc lá.

Hiện nay, giá bán thuốc lá ở Việt Nam vẫn rẻ so với giá thế giới, có thể tính phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, khi đó giá bán thuốc lá tăng sẽ tác động trực tiếp đến "hầu bao" của người sử dụng, có như vậy mới hạn chế, tiến đến giảm số người hút thuốc lá trong cộng đồng.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày