Thứ 3, 21/01/2025, 11:02[GMT+7]

Tăng cường giáo dục về sức khỏe sinh sản trong các trường trung học phổ thông

Thứ 3, 24/06/2014 | 08:58:33
3,462 lượt xem
Giáo dục SKSS cho VTN là trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về phía nhà trường mà còn là trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội. Với mô hình giáo dục SKSS cho VTN trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh, hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến về nhận thức trong việc giáo dục giới tính, đặc biệt cho VTN hiện nay.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về dân số/sức khỏe sinh sản của học sinh Trường THPT Lê Quý Ðôn, thành phố Thái Bình.

Những năm trước đây việc quan tâm giáo dục về sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh tại các trường trung học phổ thông (THPT) vẫn còn ở mức hạn chế. Rất nhiều em còn hổng kiến thức về SKSS dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn. Theo thống kê của Trung  tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, năm 2012, Trung tâm phải xử lý cho 419 trường hợp vị thành niên (VTN) mang thai ngoài ý muốn, năm 2013 là 474 trường hợp, 3 tháng năm 2014 là 190 trường hợp. Trước thực trạng này, việc giáo dục về SKSS cho học sinh tại các trường THPT cần phải được triển khai rộng rãi.

 

Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGÐ phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục SKSS VTN trong các trường THPT. Ðến nay hầu hết các trường đã triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa và thành lập câu lạc bộ (CLB) về chăm sóc SKSS. Tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các tuyên truyền viên của các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân thông qua các trò chơi như hái hoa dân chủ về các chủ đề tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình...

 

Việc triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa giúp các em nâng cao hiểu biết và nhận thức đầy đủ, đúng đắn của VTN về chăm sóc SKSS/KHHGÐ, có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin, kiến thức về dân số, giới tính, SKSS và dịch vụ SKSS, tư vấn tiền hôn nhân, các kỹ năng cần thiết để chăm sóc SKSS, hạn chế các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

 

Chia sẻ với chúng tôi thầy Nguyễn Xuân Vinh, Bí thư Ðoàn Trường THPT Nguyễn Ðức Cảnh cho biết: Việc giáo dục về sức khỏe sinh sản cho VTN là việc làm rất cần thiết. Trong những năm qua, nhà trường đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền: tổ chức xem băng hình, trình chiếu về các vấn đề liên quan đến nội dung giáo dục sức khỏe VTN hoặc nói chuyện chuyên đề, giao lưu về SKSS VTN. Trường còn phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS mời các chuyên gia tư vấn về SKSS nói chuyện chuyên đề về SKSS cho các em học sinh. Qua các buổi nói chuyện, nhiều em trở thành tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, người thân về SKSS VTN, TN. Ðặc biệt, nhà trường còn thành lập “Ban chăm sóc sức khỏe sinh sản” và lập ra hòm thư điện tử “dieuemmuonnoi.ndc@gmail.com” để các em có thể đặt các câu hỏi và được giải đáp các thắc mắc khi không biết chia sẻ với ai.

 

Tham gia CLB về chăm sóc SKSS, các em có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các thông tin, kiến thức về dân số, giới tính, SKSS và dịch vụ SKSS, tư vấn tiền hôn nhân, giúp nâng cao hiểu biết và thực hành chăm sóc SKSS theo khoa học trong thực tế cuộc sống.

 

Tuy nhiên, để mô hình sinh hoạt ngoại khóa cho VTN trong các trường THPT đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quá trình giáo dục của nhà trường, gia đình, cộng đồng, xã hội và sự tự giác của cá nhân học sinh. Nhà trường cần quan tâm giáo dục, hình thành định hướng giá trị cho học sinh, tăng cường và chủ động làm cầu nối liên kết với các lực lượng khác. Về phía gia đình, cần quan tâm, chủ động trao đổi, khuyến khích, tạo điều kiện để VTN có thể thổ lộ những điều thầm kín, tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt văn hóa tổ dân phố tại nơi cư trú. Duy trì những hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống của dân tộc. Về phía cộng đồng và các tổ chức xã hội cần có sự thống nhất về nhận thức và thái độ đối với tầm quan trọng của công tác giáo dục SKSS cho VTN. Tuyên truyền kiến thức, tổ chức các mô hình hoạt động hấp dẫn để thu hút học sinh.

 

Giáo dục SKSS cho VTN là trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về phía nhà trường mà còn là trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội. Với mô hình giáo dục SKSS cho VTN trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh, hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến về nhận thức trong việc giáo dục giới tính, đặc biệt cho VTN hiện nay.

Nguyễn Cường

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày