Hiểu rõ bệnh viêm não Nhật Bản để phòng, chống hiệu quả
Sơ đồ đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết những thông tin cơ bản về VNNB và mức độ nguy hiểm của bệnh?
Bác sĩ Phan Thanh Hải: VNNB là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Vi-rút VNNB chính là tác nhân gây bệnh.
VNNB nguy hiểm bởi là một trong những bệnh gây tử vong cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề như động kinh, đần độn, liệt, thất ngôn... Bệnh VNNB nguy hiểm còn bởi chưa có thuốc đặc trị. Quá trình điều trị chủ yếu là giảm bớt triệu chứng, cứu người bệnh qua cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng. Sau đó, điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần nhưng kết quả điều trị phục hồi rất hạn chế. Hậu quả là nhiều người bị tàn phế, mất khả năng lao động.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi-rút VNNB đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh VNNB gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là trẻ từ 2 đến 6 tuổi.
Phóng viên: Bệnh VNNB thường xuất hiện vào thời điểm nào trong năm và đâu là nguyên nhân gây bệnh, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Phan Thanh Hải: Bệnh VNNB xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng đặc biệt tăng cao vào mùa hè. Ðây là thời điểm mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho loài muỗi truyền bệnh phát triển. Mùa hè cũng là mùa có nhiều loại hoa quả chín thu hút các loài chim mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Vi-rút VNNB được truyền sang người qua vết đốt của muỗi. Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu là hai loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này ban ngày thường sống ở bụi cây, ngoài vườn, ruộng lúa nước, khi chập choạng tối bay đến nơi có người và gia súc sinh sống để hút máu. Trong tự nhiên, nguồn chứa mầm bệnh chủ yếu là các loài chim và gia súc gần người như trâu, bò, chó, lợn... trong đó lợn là vật chủ có khả năng làm lan rộng vi-rút truyền bệnh cho người nhất do lợn dễ bị nhiễm vi-rút và lợn được chăn nuôi nhiều ở các hộ gia đình vùng nông thôn. Khi muỗi hút máu của lợn có chứa vi-rút sau đó đốt người sẽ truyền vi rút sang người.
Phóng viên: Bệnh VNNB có triệu chứng như thế nào? Khi nào cần đưa người bệnh đến bệnh viện?
Bác sĩ Phan Thanh Hải: Các triệu chứng của bệnh VNNB bao gồm: sốt đột ngột, cứng gáy, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, mê sảng, vật vã, trẻ em có thể bị hôn mê. Cụ thể, sau 4 - 8 ngày ủ bệnh, người bệnh bị sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy, run, nhức đầu, nôn mửa... Trẻ em mắc bệnh thường kém ăn, trong trường hợp nặng trẻ có thể bị co giật, động kinh, sốt cao 39 - 40oC. Sau đó người bệnh bị rối loạn ý thức, sốt cao, rối loạn thần kinh thực vật, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè, nhiều đờm nhớt, nôn mửa và hôn mê..., có thể tử vong vì suy hô hấp, trụy tim mạch... Vì vậy, khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh.
Khám bệnh cho trẻ trước khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản
Phóng viên: Trước căn bệnh nguy hiểm và thời điểm mùa hè có nguy cơ nhiễm bệnh cao như hiện nay, cần phải thực hiện những biện pháp gì để phòng, chống bệnh VNNB?
Bác sĩ Phan Thanh Hải: Trước hết cần làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu rõ về bệnh VNNB để có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Việc vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, phun thuốc diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi cũng giữ vai trò quan trọng. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần dời ra xa nhà ở, đồng thời quét dọn vệ sinh thường xuyên. Các gia đình khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua diệt muỗi như phun thuốc muỗi, đốt hương muỗi, bôi kem chống muỗi; không nên cho trẻ chơi gần chuồng gia súc đề phòng bị muỗi đốt.
Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh VNNB hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin nhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần tiêm đủ 3 mũi và bắt đầu mũi thứ nhất khi trẻ được 1 tuổi; mũi thứ hai cách mũi đầu từ 1 - 2 tuần, mũi thứ ba nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Tại tỉnh ta, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai tiêm vắc-xin VNNB miễn phí cho trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Mũi một tiêm ngày 10/7, mũi hai tiêm ngày 17/7 và mũi ba sau mũi hai một năm. Ðề nghị các bậc phụ huynh đưa trẻ đến trạm y tế khám, tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
Phóng viên: Hiện tại ở tỉnh ta đã ghi nhận trường hợp mắc VNNB chưa? Ngành Y tế đã thực hiện biện pháp gì trong ngăn chặn và phòng lây truyền bệnh?
Bác sĩ Phan Thanh Hải: Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ca dương tính với vi-rút VNNB. Bệnh nhân đều là trẻ em, đến từ các xã An Thanh, Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ), Hồng An (Hưng Hà), Vũ Chính (thành phố Thái Bình), trong đó có 2 ca phát hiện dương tính với vi rút VNNB từ việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, 2 ca xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại các địa phương xuất hiện người bệnh VNNB, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Ðồng thời tiến hành khử trùng đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; tiến hành điều tra dịch tễ, vệ sinh môi trường như phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng; phát dung dịch khử trùng cho từ 15 đến 30 gia đình xung quanh gia đình bệnh nhân; yêu cầu đội ngũ y tế thôn, xã tích cực giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Rất may là bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người mà chỉ được truyền sang người qua muỗi đốt. Vì vậy, khi chăm sóc người bệnh, ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc với người bệnh... không sợ bị lây bệnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
Hà Dung (thực hiện)
Tin cùng chuyên mục
- Anh triển khai vắc xin mới điều trị 15 loại ung thư 02.05.2025 | 20:53 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam