Thứ 3, 06/08/2024, 01:11[GMT+7]

Tăng cường quản lý thực phẩm chức năng

Thứ 3, 12/05/2015 | 08:37:58
694 lượt xem
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân tăng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cũng phát triển mạnh. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm chức năng đang được các cơ quan quản lý và nhiều người dân quan tâm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc.

Có lần đến chơi nhà chị bạn ở thành phố Thái Bình, thấy chị mua và sử dụng rất nhiều thực phẩm chức năng, không phải cho riêng bản thân mà cho cả các thành viên trong gia đình. Chị cho biết, các loại thực phẩm này thường rất đắt, song vì tin vào tác dụng nên chị vẫn dành một khoản chi phí khá lớn mua để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Song chị cũng cho biết mình tự mua thực phẩm chức năng do thấy người quen, bạn bè đã dùng nhiều giới thiệu; trên các phương tiện thông tin đại chúng thường quảng cáo và hệ thống bán hàng qua mạng internet bán nhiều nên mua về dùng. Có khi đến cửa hàng thuốc mua thuốc, được người bán hàng tư vấn những loại thực phẩm chức năng liên quan, có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh và tốt cho sức khỏe nên mua chứ chưa từng tham khảo ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia dược phẩm.

Tìm hiểu về thực phẩm chức năng và thị trường thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh, ông Tô Khánh Nhựa, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Thực phẩm chức năng là thực phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh song nhiều người lại nhầm và sử dụng như một loại thuốc. Trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất và 18 doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, chưa có cơ sở nhập khẩu thực phẩm chức năng. Thực hiện Kế hoạch số 744/KH-BYT ngày 14/7/2014 của Bộ Y tế về việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các sản phẩm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến theo phân cấp quản lý.

Tính đến tháng 12/2014, Chi cục đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 2 doanh nghiệp thuê gia công sản phẩm mang thương hiệu công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, mỗi doanh nghiệp kinh doanh từ 60 - 300 sản phẩm thực phẩm chức năng có xuất xứ trong và ngoài nước. 100% cơ sở đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thực hành nhà thuốc tốt còn hiệu lực, xuất trình đầy đủ hóa đơn xuất nhập hàng hóa theo quy định. Cơ sở sản xuất được thiết kế theo quy trình bảo đảm một chiều, khu vực kho, nguyên liệu, khu vực sản xuất, đóng gói, bảo quản phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kết cấu tường, trần vững chắc. Người phụ trách chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đều có trình độ đại học; nhân viên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tại các doanh nghiệp đều có trình độ trung cấp dược hoặc đã được đào tạo chuyên môn, được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức theo quy định, khi tham gia kinh doanh đầy đủ bảo hộ lao động, biển hiệu nhân viên.

Tuy nhiên, trong số 18 cơ sở kiểm tra, đoàn đã phát hiện 14 cơ sở vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người và vi phạm quy định về kiểm nghiệm định kỳ. Có 8/18 doanh nghiệp kinh doanh không có đủ hồ sơ xác nhận công bố, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; một số cơ sở chưa chú trọng thiết bị bảo quản, vệ sinh kho theo định kỳ. Việc sử dụng kho bảo quản, kinh doanh thực phẩm chức năng còn chung với kinh doanh thuốc chữa bệnh dẫn đến tình trạng nhầm lẫn giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Cơ sở kinh doanh có đầy đủ hóa đơn mua hàng nhưng không có đầy đủ hồ sơ của sản phẩm. Nhãn sản phẩm không thực hiện đúng theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa như không ghi rõ dòng “Thực phẩm chức năng”, nhiều nhãn dùng nhiều chữ nước ngoài với cỡ chữ to, màu sắc nổi bật, chiếm nhiều diện tích nhãn. Thông tin nhãn phụ bằng tiếng Việt được ghi cỡ chữ nhỏ, mắt thường không đọc được. Câu chú ý “Thực phẩm này không phải là thuốc...” đặt in ở vị trí khó đọc, khó phát hiện. Đặc biệt, có những sản phẩm sản xuất trong nước nhưng cả 5 mặt hộp sản phẩm đều in chữ nước ngoài, thông tin về sản phẩm được in dưới đáy hộp với kích thước nhỏ. Đa số các cơ sở sản xuất chưa chủ động kiểm nghiệm bao bì sản phẩm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm định kỳ theo hồ sơ công bố.

Theo ông Tô Khánh Nhựa, đây là năm đầu tiên tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh. Các đoàn kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở chấp hành theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm. Để việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đi vào nền nếp, đúng quy định, Chi cục kiến nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế và các cơ quan chức năng chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng về việc chấp hành các quy định của pháp luật. Đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm về nhãn, đặc biệt từ các nhà sản xuất, nhập khẩu trước khi lưu thông ra thị trường, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Hà Anh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày