Thứ 5, 01/08/2024, 15:17[GMT+7]

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Thứ 3, 01/12/2015 | 14:45:41
587 lượt xem
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Nam Thái, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nét cơ bản về tình hình lây nhiễm HIV và công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?

 

Đồng chí Phạm  Nam Thái: Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Tính đến hết tháng 10/2015, lũy tích toàn tỉnh hiện quản lý được 3.146 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, trong đó, số bệnh nhân AIDS còn sống là 1.282 người, 866 người đã tử vong. Toàn tỉnh có 252/286 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV. Hàng tháng, qua giám sát và qua hệ thống tư vấn và xét nghiệm tự nguyện đều có phát hiện người nhiễm HIV mới. Riêng trong tháng 10/2015 đã phát hiện 16 ca nhiễm HIV mới, trong đó qua giám sát phát hiện ra 3 ca (ghi danh), qua hệ thống tư vấn và xét nghiệm tự nguyện phát hiện 13 ca (vô danh). Toàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị Methadone cho 1.628 người nghiện ma túy tại 9 cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh, đồng thời đã tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí cho 1.200 người tham gia điều trị. Hiện toàn tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động điều trị thuốc kháng ARV cho 1.060 bệnh nhân, lũy tích đến hết tháng 10 đã có 1.580 người được điều trị.

 

Phóng viên: Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030”, xin đồng chí cho biết mục tiêu 90 - 90 - 90 là gì và có ý nghĩa như thế nào?

 

Đồng chí Phạm Nam Thái: Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Các mục tiêu trên là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

 

 

Bác sĩ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thăm khám sức khỏe bệnh nhân.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những hoạt động nổi bật trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay và điểm khác so với mọi năm?

 

Đồng chí Phạm Nam Thái: Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS có nhiều hoạt động được tổ chức hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90, điển hình như tổ chức hội thảo chủ đề chống phân biệt kỳ thị; tuyên truyền, quảng bá về hiệu quả chương trình điều trị Methadone, điều trị ARV trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh; xây dựng chuyên mục hỏi đáp về phòng, chống HIV/AIDS trên sóng phát thanh; gặp mặt câu lạc bộ những người dễ bị cảm nhiễm với HIV, truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV, lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV.

 

Năm nay có điểm khác mọi năm là cùng với các hoạt động truyền thông, tổ chức các sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của lãnh đạo và người dân, Tháng hành động cũng là dịp để tăng cường cung cấp các dịch vụ như giới thiệu, quảng bá rộng rãi lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã. Tăng cường truyền thông vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV; vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm HIV tại địa phương...

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Hà Dung

(thực hiện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày