Thứ 5, 25/07/2024, 19:50[GMT+7]

Khó hoàn thành chỉ tiêu điều trị Methadone - vì sao?

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:10:03
987 lượt xem
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là hết năm 2015, dù đã nỗ lực phấn đấu song đến nay các cơ sở Methadone trong tỉnh mới có 1.661 bệnh nhân đang điều trị, bằng 55,3% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Bác sĩ Nguyễn Văn Điều kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tại cơ sở điều trị Methadone Quỳnh Phụ.

Nỗ lực phấn đấu vẫn khó hoàn thành chỉ tiêu

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai tại Thái Bình từ tháng 10/2012, cơ sở điều trị đầu tiên của tỉnh đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình. Tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu đến hết năm 2015 Thái Bình có 3.000 bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Từ hiệu quả của cơ sở thí điểm, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 10/7/2014 phê duyệt mức thu phí điều trị cho người nghiện ma túy bằng thuốc Methadone; UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Triển khai Đề án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song với quyết tâm của ngành Y tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong 4 tháng cuối năm 2014, 8 cơ sở điều trị Methadone tại các huyện và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã được thành lập và đi vào hoạt động, nâng tổng số cơ sở điều trị Methadone của tỉnh lên 9 cơ sở. Thái Bình trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước khi 100% các huyện, thành phố đều có cơ sở điều trị Methadone.

Các cơ sở điều trị Methadone đi vào hoạt động ổn định, chương trình điều trị Methadone nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đáp ứng nhu cầu, sự mong mỏi của nhiều người dân, được đông đảo cán bộ và nhân dân ủng hộ. Với nỗ lực phát triển đối tượng bằng nhiều giải pháp, số lượng bệnh nhân đến điều trị ngày một tăng. Số người nghiện sử dụng ma túy sau điều trị Methadone giảm rõ rệt, sức khỏe và cân nặng tăng, không có trường hợp tử vong hoặc ngộ độc do điều trị Methadone. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm sau một thời gian điều trị Methadone tăng đã góp phần không nhỏ giữ vững ổn định an ninh trật tự ở địa phương. Đặc biệt, hiệu quả về kinh tế rõ nét hơn cả khi có những bệnh nhân dùng hêrôin bình quân một ngày hết 300.000 đồng, người dùng nhiều một ngày hết từ 1 - 2 triệu đồng khi tham gia điều trị Methadone chi phí điều trị cho một bệnh nhân chỉ hết 10.000 đồng/ngày.

Mặc dù hiệu quả và lợi ích rõ rệt đã được khẳng định, UBND tỉnh có nhiều cuộc họp bàn biện pháp thực hiện chỉ tiêu điều trị Methadone được Thủ tướng Chính phủ giao và phân bổ chỉ tiêu cho từng huyện, thành phố; ngành Y tế ngoài nỗ lực thực hiện nhiệm vụ điều trị Methadone được giao cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, phối hợp, tham mưu với các ngành, các cấp; các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ngành Y tế, Công an, các xã, phường, thị trấn... song tính đến cuối tháng 11/2015, toàn tỉnh mới có 1.661 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, bằng 55,3% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014. Bên cạnh đó, hiện nay, tại hầu hết các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh, số bệnh nhân đăng ký điều trị mới không tăng mà có xu hướng chững lại. Việc hoàn thành chỉ tiêu điều trị Methadone Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh năm 2015 dường như là không thể.

Đâu là nguyên nhân?

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã tìm đến lãnh đạo ngành Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, lãnh đạo các huyện, thành phố và tìm về các cơ sở điều trị Methadone, trực tiếp trao đổi với bác sĩ điều trị và các bệnh nhân. Tại cơ sở điều trị Methadone huyện Thái Thụy, bệnh nhân Đ.V.S (xã Thụy Bình) cùng một số bệnh nhân khác có chung chia sẻ: Do tình trạng kỳ thị, xa lánh người nghiện ma túy của xã hội vẫn còn rất nặng nề đã dẫn đến việc tâm lý của nhiều người có sử dụng ma túy song không muốn công khai danh tính, đặc biệt là đối với những người nghiện đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Nhiều gia đình có người nghiện nhưng không muốn để người khác biết mà tìm mọi cách để che giấu hành vi nghiện, đồng thời tự áp dụng các phương pháp cai nghiện khác không hiệu quả. Có trường hợp người nghiện do nhà ở cách xa cơ sở điều trị từ 10 - 18km, bản thân không có quyết tâm cao nên ngại không tham gia điều trị, nhiều người đã điều trị một thời gian nhưng bỏ dở giữa chừng. Có người thì do công việc đặc thù như đi làm ăn xa, đi biển dài ngày nên cũng chưa tham gia điều trị Methadone...

Ngoài những nguyên nhân trên, tại cơ sở điều trị Methadone huyện Quỳnh Phụ, bác sĩ điều trị Nguyễn Văn Điều cho biết: Quỳnh Phụ được UBND tỉnh giao chỉ tiêu 340 bệnh nhân, hiện đang có 220 bệnh nhân điều trị. Việc khó hoàn thành chỉ tiêu còn bởi lý do có bệnh nhân tuy đã đăng ký điều trị nhưng không tuân thủ đầy đủ quy định, uống thuốc không đều. Có người do chưa tìm được việc làm nên vẫn thường xuyên vi phạm pháp luật, bị bắt nên bỏ dở việc uống Methadone. Có người đăng ký uống thuốc ban đầu tại cơ sở song do di chuyển khỏi địa phương nên cũng xin chuyển địa điểm uống thuốc. Có người nhiễm HIV và chết vì AIDS... Vì vậy, tuy số người đăng ký khởi liều cao song số thực duy trì uống thuốc hiện tại giảm nhiều so với số đã đăng ký. Cùng tâm tư trên, bác sĩ Đỗ Văn Siu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà phân tích: Hưng Hà nói riêng, cả tỉnh nói chung khó đạt chỉ tiêu điều trị Methadone được giao là do địa bàn huyện rộng, số người nghiện thường tập trung ở các thị trấn, làng nghề nên thường kinh doanh, làm ăn xa hoặc có ở nhà thì cũng di chuyển ra tỉnh ngoài thường xuyên, vì vậy rất khó tiếp cận họ để vận động, tuyên truyền; bản thân họ cũng khó có thể tham gia điều trị Methadone do không ổn định công việc và chỗ ở.

Theo bác sĩ Phạm Nam Thái, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, nguyên nhân khó hoàn thành chỉ tiêu điều trị Methadone một phần do chỉ tiêu được giao quá cao so với thực tế số người nghiện ma túy hiện đang có mặt trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của ngành Công an, hiện Thái Bình có khoảng 5.000 người nghiện ma túy song số thường xuyên có mặt tại địa phương sinh hoạt ổn định không nhiều. Mặt khác, do xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá trong cộng đồng người sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị Methadone bởi thuốc Methadone chỉ hiệu quả khi điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác điều trị Methadone tại các cơ sở còn mỏng; cơ chế đãi ngộ còn hạn chế; thời gian làm việc không có ngày nghỉ, kể cả dịp lễ, tết... Vì vậy, việc dành thời gian, tâm huyết phối hợp tuyên truyền, vận động người nghiện tại các xã, phường, thị trấn tham gia điều trị Methadone còn có mức độ...

Giải pháp nào hiệu quả?

Đồng chí Đào Trọng Bích, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy chia sẻ: Thái Thụy là huyện đông dân, địa bàn rộng, thực trạng nghiện ma túy phức tạp. Huyện đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển đối tượng được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện đã sớm thành lập tổ xác định tình trạng nghiện ma túy và phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Thái Bình tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ và cán bộ trạm y tế các xã, thị trấn về nghiệp vụ xác định tình trạng nghiện. Do đặc thù địa bàn dàn trải với 48 xã, thị trấn, đề nghị cấp trên sớm xem xét, mở thêm một cơ sở điều trị Methadone ở khu vực xa trung tâm, nơi có đông người nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, góp phần tăng số người điều trị Methadone trên địa bàn.

Thừa nhận khó thực hiện chỉ tiêu được giao trong năm 2015 về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đồng chí Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Hiệu quả của chương trình điều trị Methadone về các mặt như sức khỏe, kinh tế, quan hệ xã hội, an ninh trật tự… đã được chứng minh qua thực tế triển khai điều trị Methadone trong nước nói chung và tại Thái Bình nói riêng. Thời gian tới, để tiếp tục mở rộng chương trình điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh cũng như phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về số người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, Sở Y tế đề xuất nhiều giải pháp như: tỉnh cần có quy hoạch tổng thể về các điểm điều trị Methadone; mở thêm điểm cấp phát thuốc tại những địa bàn tập trung nhiều người nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận dịch vụ; rà soát, xác định lại số người nghiện nói chung, người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại cộng đồng nói riêng để việc giao chỉ tiêu bảo đảm phù hợp, khả thi. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ thực hiện công tác điều trị Methadone; bổ sung thêm lực lượng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone, tạo sự động viên, khích lệ về vật chất và tinh thần để đội ngũ này yên tâm công tác trong môi trường và điều kiện làm việc đặc thù. Công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng, vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về chương trình điều trị Methadone. Cùng với việc bảo đảm nguồn hỗ trợ thuốc Methadone ổn định, Nhà nước cũng cần có các chương trình hỗ trợ bệnh nhân điều trị Methadone để người nghiện yên tâm điều trị, bảo đảm hiệu quả lâu dài.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là nhiệm vụ quan trọng và phải được thực hiện trong thời gian dài. Để thành công, ngoài vai trò chủ lực của ngành Y tế, rất cần có sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay, hỗ trợ tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, sự hợp tác, tuân thủ của người bệnh và ủng hộ của cộng đồng và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị. Đặc biệt, đối với người bệnh, họ rất cần được sự chia sẻ, động viên, tránh kỳ thị, xa lánh. Ngoài ra, sự hỗ trợ điều trị về tâm lý xã hội, định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm của các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò vô cùng quan trọng, qua đó giúp người nghiện ma túy vững tin tham gia điều trị, tiến tới cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng.

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày