Thứ 4, 31/07/2024, 03:27[GMT+7]

Tiền Hải dẫn đầu tỉnh về xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:11:23
2,601 lượt xem
Không dừng lại ở thành tích là huyện xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn I, sau 3 năm phấn đấu xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn II, Tiền Hải lại một lần nữa giành ngôi vị dẫn đầu toàn tỉnh, hơn nữa, còn xuất sắc về đích trước 3 năm so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

Vườn thuốc nam mẫu tại Trạm Y tế xã Tây Lương (Tiền Hải).

XỨNG DANH NGÔI VỊ DẪN ĐẦU

Với thành tích là huyện đầu tiên và duy nhất trong tỉnh có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế (CQGYT) xã giai đoạn I (2001 - 2010) và cán đích sớm ngay từ năm 2007, Tiền Hải là điểm sáng không chỉ trong tỉnh mà còn là huyện tiêu biểu của cả nước về xây dựng CQGYT xã. Phát huy thành tích đạt được và kinh nghiệm từ thành công, bước vào thực hiện CQGYT xã giai đoạn II (2011 - 2020), Tiền Hải đã đề ra mục tiêu phấn đấu: Cuối năm 2016 có 35/35 xã, thị trấn được công nhận CQGYT; tiếp tục là huyện về đích đầu tiên, giữ vững ngôi vị dẫn đầu toàn tỉnh về CQGYT xã.

Không ngừng nỗ lực, đến cuối năm 2012, Tiền Hải có 19 xã được công nhận CQGYT xã, nhiều nhất tỉnh. Năm 2013, tiếp tục bứt phá với thêm 10 xã được cấp bằng đạt chuẩn, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Tiền Hải đã cán đích ngoạn mục khi cả 6 xã còn lại đã được công nhận CQGYT trong năm 2014, thay vì cuối năm 2016 như lộ trình đề ra. Hệ thống y tế cơ sở ở Tiền Hải như bước sang trang mới. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nâng lên rõ rệt. Người dân phấn khởi, tin tưởng đến khám chữa bệnh tại trạm y tế (TYT) nhiều hơn thay vì vượt tuyến, góp phần không nhỏ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên... Chị Trần Thị Tươm, xã Đông Cơ cho biết: Từ ngày xã đạt CQGYT, chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống y tế cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, chúng tôi thường đến khám bệnh tại trạm y tế xã thay vì vượt tuyến lên bệnh viện huyện, tỉnh như trước đây, vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn được hưởng dịch vụ chất lượng, thuận tiện.

Như vậy, chỉ trong 3 năm phấn đấu, Tiền Hải đã có 100% xã, thị trấn đạt CQGYT xã, cán đích chuẩn giai đoạn II trước kế hoạch 3 năm, trước mục tiêu chung của tỉnh 7 năm, tiếp tục một lần nữa xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng CQGYT xã.

"CHÌA KHÓA" CỦA THÀNH CÔNG

Đạt CQGYT xã sớm hơn nhiều so kế hoạch nhưng không phải Tiền Hải chỉ có thuận lợi, mà ngược lại khó khăn, trở ngại của huyện còn nhiều hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Do có nhiều TYT xã đạt tiêu chí chuẩn từ đầu giai đoạn I (2002 - 2005), qua thời gian, cơ sở vật chất các TYT đã xuống cấp nghiêm trọng, hầu như cần phải đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của y tế xã thấp; đời sống cán bộ nhiều khó khăn; điều kiện phương tiện làm việc còn đơn giản; dịch vụ kỹ thuật triển khai tại trạm hạn chế nên không khuyến khích được cán bộ về trạm làm việc, đặc biệt là bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ công tác tại TYT ở Tiền Hải thiếu trầm trọng, chưa đạt 50%, thấp nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh... Vậy vì sao Tiền Hải vẫn bứt phá vươn lên dẫn đầu? Đâu là nguyên nhân của thành công? Kinh nghiệm gì được đúc rút, chia sẻ?

Trao đổi với lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, lãnh đạo huyện Tiền Hải và tìm về các xã, thị trấn, câu hỏi nhiều người quan tâm dần được làm rõ. "Không thể thiếu sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã". Đồng chí Hoàng Văn Túy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Xác định xây dựng CQGYT xã là để bảo đảm các điều kiện chăm sóc tốt hơn sức khỏe ban đầu cho nhân dân, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vì vậy, huyện Tiền Hải luôn quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí CQGYT. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.

Thực tế, ngay sau khi có đề án của UBND tỉnh về xây dựng CQGYT xã, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải đã thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo bằng việc ban hành Chỉ thị "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng CQGYT xã giai đoạn 2011 - 2020"; HĐND huyện có Nghị quyết chuyên đề "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CQGYT xã giai đoạn 2011 - 2020"; UBND huyện ban hành Đề án "CQGYT xã giai đoạn 2011 - 2020"... Do có nhiều chỉ tiêu CQGYT mang tính chất cộng đồng như tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT… cần phải có sự hưởng ứng thực hiện của nhân dân, sự vào cuộc tích cực chỉ đạo, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mới có thể thực hiện nên huyện đã tích cực huy động sức mạnh từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, các đoàn thể đến sự hợp tác ủng hộ của đông đảo nhân dân gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cụ thể đã được huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả, từng bước giải quyết các vướng mắc với nguyên tắc "khó đâu gỡ đấy" như: Tổ chức khảo sát đánh giá tình hình cụ thể để giao thời gian phấn đấu đạt chuẩn phù hợp với đặc điểm từng địa phương; chỉ đạo các xã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng TYT đúng tiêu chí; vận động thu hút nguồn lực xã hội hóa; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị; chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện bố trí luân phiên bác sĩ về những trạm còn thiếu; tạo điều kiện cho cán bộ TYT đi học và có cơ chế hỗ trợ học phí nhằm chuẩn hóa chỉ tiêu nhân lực; có cơ chế khuyến khích các thôn làng thực hiện tốt công tác dân số, nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba… Bác sĩ Phạm Đồng Chí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiền Hải: Trạm y tế là nơi đầu tiên người dân tiếp xúc với các dịch vụ y tế, là đầu mối trong hệ thống giám sát, phát hiện, tổ chức phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở. Đạt CQGYT sẽ tạo điều kiện, động lực để cán bộ y tế xã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

PHẤN ĐẤU DUY TRÌ CHUẨN BỀN VỮNG

Thực tế đặt ra: Xây dựng xã đạt CQGYT đã khó nhưng khó hơn là việc duy trì đạt chuẩn bền vững. Hiện tại, ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp, các xã còn gặp không ít khó khăn trong bảo đảm tiêu chí về nhân lực. Các chức danh tại TYT thiếu cân đối như thừa nhân lực hộ sinh, thiếu nhân lực y học cổ truyền; số lượng bác sĩ làm việc tại trạm vốn đang thiếu song nhiều bác sĩ lại xin chuyển công tác. Nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn theo chuẩn mới như tỷ lệ người dân tham gia BHYT, các tiêu chí về dân số - KHHGĐ, mức sinh thay thế, cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên... Bên cạnh đó, quy định về duy trì kết quả đạt chuẩn cũng chỉ được công nhận trong thời gian 3 năm. Nếu sau 3 năm, Sở Y tế thẩm định lại mà không bảo đảm tiêu chí, xã đó sẽ không còn được công nhận đạt CQGYT mà phải phấn đấu lại từ đầu. Bởi vậy, việc vượt qua thách thức, duy trì chuẩn bền vững đang là hướng đi mới trong thực hiện CQGYT xã tại Tiền Hải. Nhiều phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được huyện đặt ra trong thời gian tới, trong đó tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; rà soát hoàn thiện và nâng chuẩn các tiêu chí; sớm phát hiện những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; tiếp tục duy trì các cơ chế chính sách hỗ trợ về y tế...

Đạt chuẩn và tiếp tục là đơn vị dẫn đầu CQGYT của tỉnh là niềm vui, tự hào, đồng thời còn là động lực để cán bộ, nhân dân Tiền Hải tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu lớn: xây dựng huyện sớm trở thành huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày