Chủ nhật, 25/05/2025, 04:19[GMT+7]

Bệnh viện Ða khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Thứ 5, 03/03/2016 | 15:51:40
1,464 lượt xem
Bị đột quỵ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng song bệnh nhân Hoàng Minh Bạch đã may mắn vì được chuyển đến bệnh viện sớm, được các y bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh nhanh chóng xác định đúng bệnh và sử dụng kỹ thuật mới điều trị kịp thời. Kết quả, sau 2 ngày, bệnh nhân không những thoát khỏi tử vong, tránh được tàn phế mà gần như đã hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ hướng dẫn người nhà bệnh nhân phương pháp chăm sóc người bệnh.

 

Bác sĩ Vũ Thị Xuân, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh nhân Hoàng Minh Bạch, 56 tuổi (xã Đông Huy, Đông Hưng) nhập Khoa Cấp cứu lúc 14 giờ 22 phút ngày 27/2 trong tình trạng liệt nửa người bên phải, méo miệng, lú lẫn, không nói được, bụng chướng… Trong khoảng 30 phút, bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X.quang tim, phổi, chụp CT scanner và nhập Khoa Thần kinh lúc 15 giờ 3 phút. Xác định bệnh nhân bị nhồi máu não giờ thứ hai (vẫn trong khung giờ vàng là 3 giờ tính từ khi bệnh khởi phát), không có xuất huyết não, các bác sĩ Khoa Thần kinh đã chỉ định khẩn trương áp dụng kỹ thuật mới là tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch để điều trị. Kết quả, sau 1 giờ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã bắt đầu nói được; sau 2 giờ, tay và chân phải bị liệt đã cử động được; trí nhớ của bệnh nhân cũng dần dần được phục hồi.

 

Trò chuyện với bệnh nhân Hoàng Minh Bạch tại Khoa Thần kinh chiều ngày 29/2, chúng tôi nhận thấy ông dường như đã bình phục hoàn toàn. Phấn khởi cử động tay chân, ông kể lại quá trình phát bệnh và điều trị khá rành mạch: Sau bữa cơm trưa ngày 27/2, tôi đi loanh quanh trong xóm một lúc rồi về nghỉ. Song vừa nằm xuống giường, tôi thấy tay chân tê rồi liệt nửa người bên phải không thể cử động. Muốn gọi người nhà song cũng không thể gọi được, tôi chỉ kịp giơ tay trái ra hiệu để mọi người biết và đến giúp. Tưởng sẽ không thể qua khỏi song tôi thật có phúc vì đã được chuyển đến bệnh viện kịp thời, được các bác sĩ nhiệt tình cứu chữa. Nay tôi thấy mình đã khỏe, muốn xin ra viện để về còn đi làm… Anh Hoàng Tiến Long, con trai ông Bạch cho biết: Ngay sau khi phát hiện bố bị bệnh, tôi nghĩ ngay đến trường hợp có thể bố bị đột quỵ nên khẩn trương đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh bởi tôi biết nhiều trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời đã tử vong hoặc bị di chứng tàn tật suốt đời. Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn các y bác sĩ đã làm việc tích cực, khẩn trương, chẩn đoán bệnh chính xác và kịp thời đưa ra phác đồ điều trị; đặc biệt, đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị nhồi máu não cứu sống bố tôi, giúp bố tôi không phải chịu cảnh tàn tật như nhiều người từng bị đột quỵ khác...

 

Đột quỵ, còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh xảy ra khi một phần của não bị tổn thương do căn nguyên mạch máu. Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu và chết đi. Có hai loại đột quỵ chính là thiếu máu não và xuất huyết não. Thiếu máu não xảy ra khi mạch máu bị hẹp hoặc tắc, làm cho không đủ máu chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng cho não. Xuất huyết não xảy ra khi thành mạch máu bị vỡ đột ngột, gây chảy máu vào trong não. Do tình hình bệnh tật và thời tiết diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2016 đến nay, số bệnh nhân bị đột quỵ tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Thần kinh tiếp nhận khoảng 10 ca cấp cứu đột quỵ, ngày nhiều lên đến 25 ca, trong đó có khoảng 85% là đột quỵ do tắc mạch máu não. Song do hầu hết bệnh nhân chuyển đến bệnh viện muộn sau giờ vàng (3 giờ đầu sau khởi phát bệnh) do vậy không thể áp dụng được kỹ thuật mới điều trị tiêu sợi huyết. Kết quả điều trị theo tỷ lệ chung, 30% bệnh nhân tử vong, 20% bệnh nhân khỏi bệnh do thể nhẹ, còn lại bệnh nhân phải điều trị từ 1 - 6 tháng song vẫn để lại di chứng chứ không thể hồi phục hoàn toàn.

 

Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ như đột ngột mất trí nhớ, méo miệng, nói ngọng, liệt tay chân cần nhanh chóng đưa ngay bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu hoặc Khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được cấp cứu và điều trị kịp thời, giúp tránh tử vong, giảm thiểu tàn phế, giảm thời gian và kinh phí điều trị.

 

(Bác sĩ Vũ Thị Xuân, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

 

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày