Thứ 6, 26/07/2024, 18:28[GMT+7]

Phòng, chống lao: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Thứ 5, 24/03/2016 | 09:37:40
1,045 lượt xem
Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh được điều trị khỏi bệnh đạt cao, số tái phát, tử vong thấp, vì vậy tỷ lệ mắc lao chung trong toàn tỉnh đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Xét nghiệm bệnh phẩm tìm vi khuẩn lao.

 

Phát huy hiệu quả mạng lưới chống lao

 

Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình có quy mô 120 giường bệnh kế hoạch, 180 giường thực kê, trong đó có 50 giường bệnh phổi. Bệnh viện có 17 khoa, phòng, 21 bác sĩ, 35 điều dưỡng, 8 xét nghiệm viên, 4 dược sĩ. Ở tuyến huyện, đã xây dựng được 12 tổ chống lao đặt tại 12 bệnh viện đa khoa với tổng số 105 giường bệnh lao, nhân lực mỗi tổ chống lao có từ 3 - 4 người. Ngoài ra, mỗi trung tâm y tế còn có một cán bộ tham gia tổ chống lao, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến xã, truyền thông giáo dục sức khỏe, phụ trách tiêm chủng. Tại mỗi xã, phường, thị trấn đều có 1 nhân viên trạm y tế phụ trách hoạt động phòng, chống lao (PCL) trên địa bàn. Hàng năm, công tác PCL được triển khai trong toàn hệ thống ngay từ đầu năm, đồng thời duy trì hoạt động với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng phát hiện nguồn lây, sàng lọc, quản lý, điều trị, kiểm tra, giám sát và tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm thay đổi nhận thức của người dân về PCL trong cộng đồng.

 

Bác sĩ Vũ Văn Trâm, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình cho biết: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có từ 1.400 - 1.600 bệnh nhân lao được phát hiện, trong đó có khoảng 850 - 900 bệnh nhân lao có vi khuẩn trong đờm. Toàn bộ bệnh nhân lao phát hiện được thu nhận, đưa vào điều trị đúng thời gian, đúng công thức và được giám sát theo chiến lược PCL quốc gia. Sau giai đoạn điều trị tấn công chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì, bệnh nhân được quản lý tại cơ sở do cán bộ PCL cấp xã trực tiếp lĩnh thuốc tại tổ chống lao, cấp thuốc đến bệnh nhân định kỳ 10 ngày/lần, đồng thời kiểm tra, giám sát việc dùng thuốc của bệnh nhân tại gia đình. Hiện số bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh được điều trị khỏi bệnh đạt tỷ lệ trung bình khoảng 90%, số tái phát, thất bại, tử vong thấp. Vì vậy, tỷ lệ mắc lao chung trong toàn tỉnh đã có xu hướng giảm. Riêng năm 2015, 100% số xã phát hiện được bệnh nhân lao mới, nhiều huyện thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện như Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy. 100% huyện, thành phố được triển khai hoạt động quản lý lao trẻ em. Trong tổng số 1.509 bệnh nhân lao phát hiện năm 2015 có 757 bệnh nhân lao phổi dương tính mới, chiếm 50,2%; 86 bệnh nhân lao phổi tái phát, chiếm 5,7%. Đặc biệt, đã phát hiện, quản lý 31 bệnh nhân lao kháng thuốc, đưa số bệnh nhân lao kháng thuốc toàn tỉnh hiện đang quản lý là 44 bệnh nhân.

 

Cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng

 

Mặc dù mạng lưới PCL đã được xây dựng hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở song kết quả công tác PCL chưa cao, nguyên nhân bởi nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho công tác PCL. Nhân lực PCL không chỉ thiếu với tỷ lệ 1,58 bác sĩ/100.000 dân (tỷ lệ chung là 12 bác sĩ/100.000 dân) mà còn yếu bởi nhiều cán bộ làm công tác PCL chưa được đào tạo chuyên khoa, còn kiêm nhiệm, thiếu ổn định, nhất là nhân lực ở các tổ chống lao tuyến huyện, xã. Bên cạnh đó, kỹ năng kiểm tra, giám sát, truyền thông, tư vấn, phối hợp vận động bệnh nhân của cán bộ tham gia hoạt động PCL còn hạn chế. Dù đã chú trọng truyền thông giáo dục sức khỏe song hiểu biết của người dân về bệnh lao vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng kỳ thị người mắc bệnh dẫn đến việc người bệnh mặc cảm, giấu bệnh, không công khai đi khám và điều trị. Ngoài ra, do đa số bệnh nhân mắc lao đều là người nghèo, không có bảo hiểm y tế, sinh sống ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người ý thức kém, thiếu kiến trì, không tuân thủ phác đồ điều trị, không chủ động phòng, chống lây lan đã dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân lao và lao kháng thuốc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia PCL đã cắt giảm nhiều so với những năm trước, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cả mạng lưới và công tác PCL trên địa bàn.

 

Theo bác sĩ Vũ Văn Trâm, hướng tới mục tiêu đẩy lùi bệnh lao và thực hiện thành công thanh toán bệnh lao, vừa qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình đã tham mưu với Sở Y tế, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lao và xây dựng kế hoạch phòng, chống lao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, để công tác PCL thực sự hiệu quả, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và đầu tư hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cũng như sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

 

Lời khuyên của bác sĩ

 

Nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao gồm: ho, khạc kéo dài hơn hai tuần; sốt nhẹ về chiều; tức ngực khó thở; đổ mồ hôi đêm; ho ra máu, mệt mỏi, ăn kém, gầy, sút cân… thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh, chụp X.quang phổi và xét nghiệm phát hiện sớm bệnh lao để được điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng và phòng nguy cơ kháng thuốc.

 

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày