Thứ 7, 10/08/2024, 04:23[GMT+7]

Làm sao để có thực phẩm sạch?

Thứ 2, 18/04/2016 | 09:08:53
4,619 lượt xem
Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm được xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay. Từ dư luận nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng đến nghị trường Quốc hội đều sôi nổi bàn về vấn nạn thực phẩm bẩn...

Người dân tự trồng rau sạch trên sân thượng.

 

Theo công bố của các tổ chức quốc tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 người mắc ung thư, phần lớn có nguyên nhân từ môi trường sống và từ việc sử dụng thực phẩm nhiều độc tố. Còn theo một nguồn tin trong nước, năm 2014, Việt Nam có 150.000 - 200.000 người mắc ung thư, 82.000 người chết vì ung thư, trong đó có đến 95% người mắc do môi trường và an toàn thực phẩm, số người chết vì ung thư gấp 9 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã nói đúng về sự bất lực của bộ máy quản lý. Ông cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đủ sức kiểm tra, giám sát hàng triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản và cũng không chỉ đạo được hàng triệu gia đình mua gì, ăn gì, uống gì để không độc hại. Hiện mỗi tỉnh chỉ có khoảng 10 người làm công tác quản lý chất lượng và dù có tăng biên chế lên 10 lần, 100 lần thì cũng không thể giải quyết được vấn đề, chưa nói đến ngân sách eo hẹp. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp đã thể hiện sự bất lực trước vấn nạn thực phẩm bẩn? Người sản xuất chỉ biết phun ít thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, xanh tươi, làm đẹp mắt người tiêu dùng, lại mau được thu hoạch. Người chăn nuôi cho thêm chút Salbutamon vào thức ăn để thịt lợn có nhiều nạc, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Người buôn tôm cá khi còn thừa do không bán hết trong ngày cho thêm ít phân đạm vào ướp để tôm cá hôm sau vẫn tươi. Người nuôi gà cho thêm ít chất vàng ô vào thức ăn để da gà có màu vàng đẹp mắt... Tất cả những việc làm đó họ có biết rằng chính họ đang đầu độc người tiêu dùng. Những chất độc hại đó sẽ tích tụ trong cơ thể người ăn, cuối cùng dẫn đến cái chết.

 

Tại sao thực phẩm bẩn gần đây lại xuất hiện tràn lan như vậy? Thực ra, tình trạng dùng hóa chất kích thích sự sinh trưởng đối với cây trồng, vật nuôi đã xuất hiện từ hàng chục năm nay nhưng mức độ thấp. Gần đây, do chạy theo lợi nhuận trước mắt, lại được tự do hóa thương mại, thị trường mở cửa, lợi dụng lòng tham của một số người trồng trọt, chăn nuôi nên những hoóc-môn kích thích sinh trưởng cây trồng, vật nuôi thông qua con đường buôn lậu tuồn vào Việt Nam mà không được kiểm soát, ngăn chặn. Một người làm được, thấy có lợi trước mắt, người khác cũng làm theo, cứ như vậy trở thành vấn nạn như hiện tại. Chúng ta có thể điểm mặt các chất độc hại mà những người sản xuất vô lương tâm đang dùng để đầu độc người tiêu dùng: chuối, mít, đu đủ, xoài... chiều hôm trước vẫn còn non xanh nhưng chỉ sau một đêm đã chín vàng do được nhúng qua nước có pha thuốc trừ cỏ (CO2-4D); muốn cho gà khi thịt có màu da vàng, chân vàng, muốn cho măng tươi có màu vàng mát mắt, thậm chí muốn có vại dưa cải muối vàng khươm người ta sẵn sàng pha chút thuốc Auraminne (chất vàng ô) - là chất cấm, được liệt vào danh sách chất gây ung thư nhóm 3 vì có khả năng gây ung thư rất cao, thường được dùng để nhuộm vải, gỗ, giấy, đã bị tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi từ hàng chục năm trước. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ví việc buôn bán các chất trên như buôn bán ma túy.

 

 

 

Ðứng trước một vấn nạn rất nguy hại đến sức khỏe người dân, không phải chỉ trước mắt mà cả một thế hệ lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành nhiều cuộc họp, nhiều cuộc hội thảo, đã đề xuất với Chính phủ nhiều biện pháp, chế tài như phạt nặng cơ sở vi phạm, xử lý hình sự những tập thể, cá nhân vi phạm, thậm chí còn đưa tội sản xuất, buôn bán, lưu thông thực phẩm bẩn vào Bộ luật Hình sự, phạt tù đến 20 năm. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (15/4 - 15/5), với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, rau, thịt an toàn” hướng đến mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản...

 

Người dân đã tự cứu mình, tự ngược xuôi tìm đủ cách để có được thực phẩm sạch. Họ đã tự trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, thả cá trên mảnh vườn nhỏ bé của gia đình, thậm chí trên sân thượng nhà riêng... Bên cạnh đó là trào lưu tiêu dùng thực phẩm quê, hạn chế tối đa việc phải ra chợ mua thực phẩm. Cũng chính vì lý do đó mà “chợ công sở” tự phát mọc ra khắp nơi, ngay trong hành lang cơ quan, công ty, xí nghiệp. Những sản phẩm nhà làm được mang đến cơ quan bán cho bạn bè, đồng nghiệp, từ mớ rau, quả cà, con cá...

 

Trên phạm vi cả nước và từng tỉnh, không thể chỉ hô khẩu hiệu: tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn, kiên quyết không dùng chất cấm trong chăn nuôi là xong mà phải có biện pháp đồng bộ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách căn cơ, cụ thể. Ðài Truyền hình Việt Nam rất nhanh nhạy đã có chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” nhưng về cơ bản thì thử hỏi: Nói không với thực phẩm bẩn thì tìm thực phẩm sạch ở đâu? Ðể trả lời câu hỏi trên, giải quyết bằng được vấn nạn thực phẩm bẩn, xin kiến nghị:

 

Một là: Giải quyết ngay từ khâu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi). Muốn có thịt sạch, cá sạch, rau củ quả sạch... không thể chỉ hô hào mà phải sản xuất ra, phải tạo ra mô hình, phải tổ chức lại sản xuất, phải có đầu tư bài bản, chu đáo. Cụ thể: Có thể dành ra vài chục ha đất, thậm chí hàng trăm ha thành vùng sản xuất những sản phẩm có thế mạnh như thịt lợn, trứng vịt, thịt gà, cá, rau củ quả các loại theo phương pháp canh tác hữu cơ. Ðây là xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay trên thế giới (canh tác hữu cơ đồng nghĩa với hoàn toàn sạch). Từ khâu xử lý đất trước khi canh tác đến chọn giống và quy trình sản xuất hoàn toàn theo nguyên tắc hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, chất tạo màu, tạo nạc... Làm được như vậy sẽ sớm có sản phẩm hữu cơ.

 

Tuy nhiên, ai làm và nguồn vốn ở đâu?

 

Trước hết, người làm không phải là doanh nghiệp mà sẽ là nông dân, được tổ chức lại thành một hội hay một HTX (kiểu mới) hay một tập đoàn, không phải là tổ chức kinh doanh kiếm lời mà là tổ chức giúp các thành viên điều chỉnh hành vi, theo nội quy và giá trị đạo đức như sản xuất không gian dối, không sử dụng chất cấm, không đầu độc người tiêu dùng. Ðể không bị lối làm ăn gian dối cạnh tranh, tổ chức này phải được hỗ trợ và giúp đỡ từ các tổ chức chính trị - xã hội mà trước hết là của chính quyền các cấp. Làm được như vậy, chính quyền có môi trường, địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn trong tầm kiểm soát cụ thể, cổ vũ cho sản xuất tập thể, chung tay giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.

 

Về vấn đề nguồn vốn. Tham gia tổ chức sản xuất là những người nông dân tập hợp lại, được đào tạo thành những công nhân nông nghiệp lành nghề, họ phải góp vốn để sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân hiện rất nghèo, do đó chính quyền cần có chính sách cho vay ưu đãi ban đầu hoặc có thể cân đối các nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến công, nguồn vốn đào tạo nghề cho nông dân hàng năm...

 

Hai là: Cùng với quyết tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản thực phẩm sạch thì chính quyền còn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, để thực phẩm sạch có chỗ đứng rõ ràng, vững chắc trên thị trường, đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩn bẩn.

 

Ba là: Chính quyền nên có chính sách đầu tư xây dựng một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại, dẹp bỏ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðồng thời, xây dựng các siêu thị thực phẩm, biến chúng trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

 

Quách Thước

Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình

  • Từ khóa

Bình Sinh - 7 năm trước

Muốn có rau sạch phải lấy được lòng tin của người tiêu dùng và phải có giá cả cạnh tranh..

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày