Thứ 3, 23/07/2024, 22:40[GMT+7]

Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Thứ 3, 03/05/2016 | 17:24:51
2,398 lượt xem
Khác hẳn các khoa chuyên môn khác, trong phòng điều trị bệnh cho trẻ tự kỷ ở bộ phận Tâm bệnh (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Thái Bình) không có thuốc, kim tiêm, dịch truyền… mà có nhiều tranh ảnh, sách vở, đồ chơi giống như một lớp học ở trường mẫu giáo. Ở đó, các bác sĩ, điều dưỡng kiên trì, nhẫn nại sử dụng liệu pháp tâm lý và giao tiếp, hướng dẫn trẻ chơi và chơi cùng trẻ, giúp trẻ tự kỷ từng bước điều chỉnh để có nhận thức, hành vi, giao tiếp như một đứa trẻ bình thường.

Phòng điều trị Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình.

 

Phát hiện sớm để chữa trị tốt hơn

 

Tự kỷ là một biểu hiện của sự rối loạn tâm thần, đến nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có khoảng 35% các triệu chứng như: Không biết nói tiếng gió khi đã 1 tuổi. Không nói được từ đơn khi đã 16 tháng. Không nói được từ đôi khi đã 2 tuổi. Nói khó khăn hoặc rất ghét giao tiếp bằng lời nói. Đã nói được nhưng có thể mất ngôn ngữ bất cứ lúc nào. Có khi bé nói suôn sẻ nhưng nội dung không liên quan gì đến môi trường, hoàn cảnh xung quanh; thích độc thoại mà không thích đối thoại. Không hồi đáp khi được gọi tên, không giao tiếp bằng mắt, không kết bạn, không có sự tập trung, không có khả năng tổng hợp và xử lý thông tin. Trẻ có những hành vi kỳ quái như tự đập đầu vào tường, cào cấu, đánh, nói nhảm và hành hạ người thân, muốn ở một mình, thường xuyên ăn vạ, sợ người lạ, vật lạ, không nhận biết sự nguy hiểm, rối loạn ăn uống, tiêu hóa…

 

Những năm gần đây, bệnh tự kỷ có chiều hướng gia tăng, song do kiến thức về bệnh tự kỷ của các bậc cha mẹ và cộng đồng còn hạn chế, vì vậy còn những trẻ có bệnh mà không được quan tâm, phát hiện. Có những cha mẹ đã phát hiện con mắc bệnh nhưng chủ quan, giấu bệnh, không đưa con đến bệnh viện để được điều trị sớm. Có cha mẹ do hoàn cảnh khó khăn, bận lao động, công tác hoặc thiếu kiên nhẫn, buông xuôi dẫn đến việc điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ mắc bệnh không được tập trung, liền mạch, không bảo đảm lộ trình nên hiệu quả điều trị không cao, phải kéo dài mất nhiều thời gian, công sức của cả gia đình và bác sĩ. Để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh tự kỷ, giúp trẻ được tiếp cận với các phương pháp điều trị sớm, Bộ phận Tâm bệnh luôn chú trọng tổ chức  truyền thông về bệnh tự kỷ tại cộng đồng, đồng thời tổ chức các buổi đi khám, phát hiện bệnh sớm tại các trường học. Năm 2015, Bộ phận đã tổ chức khám phát hiện bệnh tại 8 trường mầm non trên địa bàn Thành phố, kết quả ở mỗi trường đều phát hiện có từ 2 - 4 trẻ mắc bệnh tự kỷ.

 

Nỗ lực giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

 

Bộ phận Tâm bệnh hiện có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Cùng với sự phối hợp, hỗ trợ thường xuyên về nhân lực và chuyên môn từ bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, hàng ngày  tiếp nhận và điều trị cho từ 15 - 20 bệnh nhân, đa số có độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi. Ngoài tiếp nhận, điều trị cho các cháu tại bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng còn tích cực hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ, ông bà tự điều trị cho bệnh nhân tại nhà đối với những bệnh nhân nhẹ, còn thành lập câu lạc bộ hội chứng tự kỷ và tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, qua đó các bác sĩ, điều dưỡng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phương pháp điều trị để người nhà bệnh nhân hiểu, phối hợp cùng bác sĩ nâng cao hiệu quả điều trị; các bậc cha mẹ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, động viên nhau kiên trì chữa bệnh cho các con.

 

Chị Trịnh Thị Thanh, điều dưỡng đầu tiên được đào tạo bài bản về tâm bệnh cho biết: Bệnh tự kỷ có thể chữa để trẻ hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên điều trị cho trẻ tự kỷ cần phải kiên trì, nhẫn nại và rất cần sự phối hợp tích cực, tận tụy, bền bỉ của gia đình và môi trường xung quanh. Với mỗi bệnh nhân mới, bác sĩ, điều dưỡng phải dành thời gian tìm hiểu về sở thích, hành vi, thực trạng hòa nhập trong phòng vận động chung để đánh giá tình trạng bệnh. Từ đó đưa ra cách tiếp cận, phương pháp và phác đồ điều trị, bảo đảm quá trình điều trị phù hợp, hiệu quả. Chị Thanh chia sẻ, từ chỗ bệnh nhân không biết nói, không biết giao tiếp, sau một thời gian chữa trị kiên trì, khi các cháu có những chuyển biến dù nhỏ đều là niềm vui lớn đối với các chị. Bởi đặc thù liệu trình điều trị, các chị có sự tiếp xúc, gắn bó với các cháu trong thời gian dài, vì vậy mỗi bệnh nhân đều là một kỷ niệm sâu sắc, thân thương. Trong số những bệnh nhân đã điều trị khỏi, chị nhớ nhất trường hợp bệnh nhân B.Đ.T, quê Thanh Hóa. Bệnh nhân 3 tuổi song đã có hơn 1 năm đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng không có kết quả. Khi gia đình đã nản, cháu về quê ngoại ở Thái Bình được bà ngoại kiên trì đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi. Sau 6 tháng điều trị, cháu đã biết nghe khi gọi tên, biết giao tiếp bằng mắt, biết nói, biết chia sẻ tình cảm và hiểu được tình cảm vui buồn của người khác qua nét mặt như những đứa trẻ bình thường cùng độ tuổi. Khi được ra viện, gia đình cháu đã mừng rỡ viết thư cảm ơn và đến nay vẫn thường xuyên kết nối qua điện thoại để chia sẻ niềm vui, phấn khởi về sự tiến bộ của cháu với các ân nhân đã giúp cháu hòa nhập cộng đồng.

 

Bà Trần Thị M, xã Bình Nguyên (Kiến Xương) là một trong những người kiên trì đưa cháu nội đến điều trị tại đây cho biết, trước đây cháu bà có nhiều biểu hiện bệnh nặng như thường đập đầu vào tường, lao vào cửa kính, lao đầu chạy ngoài đường mà không biết tránh ô tô, xe máy... Nhiều người thấy bà vất vả không quản thời gian, mưa nắng đưa cháu đến bệnh viện đã khuyên bà nên dừng lại vì nghĩ không thể chữa được. Song đến nay, cháu gần như đã khỏi bệnh hoàn toàn. Từ trường hợp cháu mình, bà M. tích cực cùng các y bác sĩ tuyên truyền để nhiều người hiểu đúng về bệnh tự kỷ, để những gia đình có con cháu bị bệnh có niềm tin, kiên trì đưa trẻ đi điều trị sớm để mau khỏi bệnh, mang lại niềm vui cho gia đình và tương lai của các cháu.

 

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày