Thứ 2, 19/05/2025, 04:43[GMT+7]

Trên 40% tổng lượt người khám, điều trị y học cổ truyền

Thứ 6, 08/07/2016 | 20:12:21
1,052 lượt xem
Đó là thống kê của Trạm Y tế xã Đông Trung (Tiền Hải) năm 2015. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, chất lượng khám, điều trị y học cổ truyền của Trạm ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, tạo được niềm tin cho nhân dân, được đánh giá là một trong những trạm y tế dẫn đầu huyện Tiền Hải về công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền.

Vườn thuốc nam mẫu tại Trạm Y tế xã Đông Trung (Tiền Hải) với khoảng 90 loại cây thuốc.

Sau khi có dấu hiệu bị đau vùng cổ, chị Lương Thị Thảo ở thôn Phong Lạc, xã Đông Trung quyết định tới Trạm Y tế xã để khám, điều trị. Tại đây, chị được bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ. Sau hơn hai tháng sắc thuốc uống tại nhà kết hợp tiêm tại Trạm, bệnh tình của chị thuyên giảm hẳn. Giờ đây, chị có thể lao động, sinh hoạt bình thường. Chị Thảo cho biết: Trước đây, cơ sở vật chất các trạm y tế xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ hạn chế nên người dân mỗi khi có bệnh ít tới Trạm để khám chữa bệnh mà lên thẳng tuyến trên. Thế nhưng, từ khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện, nhất là khám chữa bệnh y học cổ truyền thì nhận thức của người dân đã thay đổi. Mỗi khi bị đau lưng, vai hoặc những bệnh liên quan đến xương, khớp…, bà con thường đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị.

Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền của Trạm Y tế xã Đông Trung đi vào hoạt động từ năm 2013. Sau khi được đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền, phòng khám của Trạm đã thu hút đông người dân đến khám chữa bệnh. Nếu như năm 2013, 2014, tỷ lệ khám, điều trị y học cổ truyền chỉ đạt hơn 30% tổng số lượt người đến điều trị thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên hơn 40%. Cùng với người dân trong xã, bệnh nhân ở trong và ngoài huyện cũng đến khám, điều trị. Đây được coi là tín hiệu vui đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Có được kết quả trên là do Trạm Y tế xã đã gắn nội dung khám chữa bệnh y học cổ truyền vào tiêu chí khám chữa bệnh theo chuẩn quốc gia về y tế xã, tạo động lực để mỗi cán bộ phấn đấu, nâng cao trách nhiệm. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ Trạm thường xuyên học tập nâng cao trình độ thông qua việc phối hợp, trao đổi kinh nghiệm từ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thường xuyên nghiên cứu, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh. Để bảo đảm chất lượng thuốc, Trạm nhập nguyên liệu thô về chế biến. Hiện nay, phòng khám của Trạm có gần 1.000 vị thuốc y học cổ truyền phục vụ chữa bệnh. Vườn thuốc nam của Trạm đa dạng, phong phú với khoảng 90 loại cây thuốc.

Trạm trưởng Trần Xuân Phương cho biết: Y tế xã là tuyến y tế đầu tiên mà người bệnh tìm đến nên cán bộ của Trạm luôn xác định phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo niềm tin cho người dân. Do lợi thế khám chữa bệnh y học cổ truyền an toàn, giá thành thấp, việc điều trị một số bệnh mạn tính đạt kết quả tốt hơn nên thu hút người dân đến khám, điều trị đông. Thời gian tới, Trạm sẽ mở thêm phòng phục hồi chức năng và phòng truyền thông về y học cổ truyền, đồng thời phối hợp với Hội Đông y huyện tổ chức các buổi hội thảo về những phương thuốc hay, bài thuốc quý trong chữa bệnh giúp cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày