Thứ 5, 22/05/2025, 22:47[GMT+7]

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng nào để phát huy hiệu quả?

Thứ 5, 15/09/2016 | 08:08:17
588 lượt xem
Một trong những giải pháp chính gỡ khó cho công tác phòng, chống HIV/AIDS khi các tổ chức quốc tế ngừng viện trợ là bảo đảm để bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp tục điều trị thông qua KCB BHYT. Vấn đề đặt ra là kiện toàn cơ sở điều trị như thế nào để đủ điều kiện KCB BHYT, phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người bệnh?

Cấp thuốc Methadone tại cơ sở điều trị Methadone huyện Vũ Thư.

Kiện toàn cơ sở điều trị theo hướng nào?

Bà Tạ Thị Hoa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định người tham gia BHYT nhiễm HIV/AIDS khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS sẽ được quỹ BHYT chi trả hầu hết các dịch vụ đang được miễn phí tại cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay như: thuốc điều trị ARV, hóa chất, vật tư y tế, xét nghiệm tế bào CD và tải lượng vi rút, kỹ thuật đình chỉ thai nghén, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… Vì vậy, có thể nói BHYT chính là cứu cánh của người nhiễm HIV/AIDS khi không còn nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Để tiếp nối công tác điều trị và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi các nguồn viện trợ không còn, ngành Y tế cần kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, bảo đảm đủ các điều kiện để bổ sung hợp đồng KCB BHYT; triển khai hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 7 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, song mô hình không đồng nhất, nơi thì đặt tại bệnh viện, nơi thì đặt tại trung tâm y tế, nhiều phòng khám chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các phòng khám ngoại trú tại bệnh viện đều đặt ở khoa truyền nhiễm, mặc dù mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh và cán bộ y tế song lại chưa phù hợp với các quy định của Bộ Y tế về khám, điều trị ngoại trú. Bệnh viện Đa khoa tỉnh có phòng khám ngoại trú hiện đang đảm nhận điều trị cho 1/3 số bệnh nhân HIV/AIDS trong tỉnh, song cái khó là bệnh viện lại không có chức năng KCB ban đầu… Đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế hiện đang tích cực rà soát, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Song việc kiện toàn theo hướng đặt phòng khám ngoại trú tại bệnh viện hay tại trung tâm y tế (TTYT) thì đang nghiên cứu, cân nhắc vì đều gặp phải những thuận lợi, khó khăn khác nhau. Nếu đặt tại bệnh viện sẽ thuận lợi vì bệnh viện có chức năng KCB, việc thanh toán BHYT cho bệnh nhân đang được thực hiện tốt. Khó khăn là các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải, đội ngũ cán bộ mỏng nên khó đáp ứng được yêu cầu chăm sóc đầy đủ cho bệnh nhân HIV/AIDS theo quy định của Bộ Y tế (tại Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 về việc ban hành việc hướng dẫn quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS). Việc quá tải bệnh viện ngoài ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, điều trị, còn hạn chế trong việc tư vấn, chia sẻ, trợ giúp tâm lý xã hội đối với người bệnh. Công tác thống kê báo cáo điều trị HIV/AIDS cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, khó bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ do việc báo cáo thực hiện trực tuyến, cán bộ làm báo cáo phải được tập huấn sử dụng phần mềm theo quy định của Bộ Y tế… Nếu đặt phòng khám ngoại trú tại TTYT thì thuận lợi là hiện trung tâm đang duy trì tốt việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS; 100% đội ngũ cán bộ của phòng khám đều đã được đào tạo chuyên môn và nâng cao về điều trị HIV/AIDS. Bệnh nhân không bị xáo trộn do thay đổi nơi đăng ký điều trị, sẽ ổn định tâm lý khi tiếp tục được KCB và tư vấn đầy đủ, chuyên nghiệp. Việc khám bệnh, theo dõi, ra phác đồ điều trị và cấp phát thuốc thuận lợi vì bác sĩ đã có thời gian theo dõi lâu dài, đã hiểu rõ lịch sử, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Công tác cập nhật báo cáo, thống kê thường xuyên theo quy định sẽ tiếp tục được duy trì tốt như hiện tại. Song khó khăn là các TTYT chưa có chức năng KCB, còn thiếu một số điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, chưa có giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề để ký hợp đồng KCB BHYT.

Nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS

Phòng khám ngoại trú FHI 360 Đông Hưng và Phòng khám ngoại trú Kiến Xương là hai phòng khám tuyến huyện có thời gian hoạt động lâu nhất, có số bệnh nhân đông nhất. Bác sĩ Trần Quang Thái, Trưởng phòng khám ngoại trú FHI 360 Đông Hưng và bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng khám ngoại trú Kiến Xương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, trong quá trình khám bệnh, cấp thuốc, cán bộ phòng khám đã tích cực thông tin tới bệnh nhân tình hình công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới; những khó khăn do bị cắt giảm viện trợ; những xáo trộn có thể xảy ra do hoạt động kiện toàn cơ sở KCB HIV/AIDS. Đồng thời, các bác sĩ cũng tư vấn cho bệnh nhân chuẩn bị nguồn lực tài chính, chủ động tham gia BHYT để được hỗ trợ điều trị từ quỹ BHYT khi không còn được miễn phí thuốc ARV và các dịch vụ KCB khác. Theo ghi nhận chung, hầu hết bệnh nhân đều bối rối khi thời điểm miễn phí điều trị HIV/AIDS đang đến gần, đồng thời họ đều lo lắng khi hoàn cảnh kinh tế vốn đã khó khăn, sẽ càng khó hơn vì phải lo thêm kinh phí mua BHYT và đồng chi trả. Nhiều bệnh nhân băn khoăn e ngại sợ không được bảo mật thông tin khi KCB tại bệnh viện bằng thẻ BHYT vì phải công khai tên tuổi, địa chỉ thật; sợ sẽ gặp người quen khi không có nơi khám riêng tư; sợ sự phiền hà do quá tải bệnh viện; sợ bị phân biệt đối xử từ nhân viên y tế; sợ sự kỳ thị từ những người bệnh bình thường khác…

Bệnh nhân N.T.M. đồng thời là đồng đẳng viên hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại Phòng khám ngoại trú FHI 360 Đông Hưng chia sẻ: Tuy đã được các bác sĩ tư vấn, động viên song bệnh nhân chúng tôi không khỏi hoang mang, lo lắng. Hiện trong số 194 bệnh nhân tại phòng khám mới chỉ có 58 người có thẻ BHYT. Hy vọng chúng tôi sẽ được quan tâm cấp thẻ BHYT để có thể giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không còn được miễn phí điều trị như hiện nay. Bệnh nhân N.V.H ở Tiền Hải cho rằng do xã hội vẫn còn kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS nên bản thân anh và nhiều người khác vẫn phải dấu, không dám công khai mình mắc bệnh. Vì vậy, đa số đều mong muốn được tạo điều kiện mua thẻ BHYT ngay tại phòng khám ngoại trú nơi đăng ký điều trị, đồng thời được bố trí nơi khám, tư vấn và nhận thuốc riêng tư, bảo đảm bí mật danh tính để tránh bị kỳ thị cho bản thân và gia đình. Bệnh nhân T.T.S. hiện điều trị tại Phòng khám ngoại trú Kiến Xương bảy tỏ: Gắn bó với phòng khám ngoại trú lâu năm, chúng tôi hài lòng và coi phòng khám là ngôi nhà thứ hai, là điểm tựa tin cậy để chiến đấu với bệnh tật. Bởi không chỉ được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhiệt tình, chu đáo, mà chúng tôi còn rất thoải mái tư tưởng vì được thấu hiểu, chia sẻ, động viên như người thân trong gia đình. Nguyện vọng của chúng tôi là tiếp tục được điều trị ổn định tại phòng khám ngoại trú đã gắn bó lâu nay, được bác sĩ quen thuộc điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe...

Thời hạn các tổ chức quốc tế cắt hoàn toàn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đến gần. Để bảo đảm cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp tục được duy trì điều trị, các cơ quan chức năng, ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội cần phối hợp tích cực, sớm hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận, tổ chức KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, mỗi người nhiễm HIV/AIDS cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động tìm hiểu thông tin, tích cực tham gia BHYT tự nguyện để sớm được hưởng lợi ích ưu việt từ chính sách BHYT trong chăm sóc sức khỏe bản thân, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

(còn nữa)
Hà Dung

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày