Chủ nhật, 04/08/2024, 13:20[GMT+7]

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn - Chuyện không thể đùa

Thứ 3, 21/02/2017 | 08:57:33
1,851 lượt xem
Ngày 6/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân ở xã Bình Thanh (Kiến Xương) bị mắc liên cầu khuẩn lợn. Do được phát hiện và điều trị tích cực, kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm.

Bệnh nhân Lê Văn Hải bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo hồ sơ bệnh án tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 6/2, bệnh nhân Lê Văn Hải, trú quán thôn Đa Cốc, xã Bình Thanh (Kiến Xương) nhập viện trong tình trạng sốt rất cao, đau đầu và nôn liên tục. Hội đồng y khoa chẩn đoán nhanh, bệnh nhân bị viêm màng não mủ. Qua các xét nghiệm và thực hiện kỹ thuật cấy dịch não tủy thì phát hiện bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bác sĩ Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh nhân Hải bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có bệnh cảnh viêm màng não mủ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến xấu rất nhanh có thể dẫn đến tử vong, hoặc nếu chữa khỏi thì chi phí rất lớn, thời gian điều trị lâu và để lại di chứng rất nặng nề. Xác định đúng bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng tổ chức điều trị tích cực với đúng phác đồ kháng sinh nên chỉ sau 5 ngày, bệnh nhân đã dần bình phục, sức khỏe trở lại bình thường.

Anh Lê Văn Hải cho biết, sáng ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân, anh và một số anh em họ đã tổ chức thịt lợn tại nhà bố vợ để ăn tết. Anh là người trực tiếp đánh tiết canh, làm lòng và cùng với gia đình ăn trưa. Buổi tối, anh lại tiếp tục dùng tiết canh và một số món được chế biến từ cùng một con lợn. Sau gần một tuần thì anh Hải có biểu hiện sốt cao, rồi đau đầu, nôn mửa. Thấy tình trạng sức khỏe xấu và có biểu hiện nguy hiểm, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và phát hiện bị mắc liên cầu khuẩn lợn. Đến giờ anh Hải vẫn còn run khi chia sẻ với chúng tôi: Biết có nguy cơ bị bệnh liên cầu khuẩn lợn khi ăn tiết canh nhưng em vẫn nghĩ bình thường vì mọi người vẫn ăn tiết canh hàng ngày, giờ trải qua rồi mới thấy sợ. Nghe các bác sĩ dặn, từ nay em sẽ không ăn tiết canh và vận động anh em, bạn bè không dùng tiết canh sống nữa để bảo vệ sức khỏe.

Ngay sau khi biết thông tin có người dân bị mắc liên cầu khuẩn lợn, UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo ngành Y tế và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xuống cơ sở điều tra, xác minh nguồn gốc ổ dịch. Ngoài việc theo dõi diễn biến sức khỏe 11 người của 4 hộ gia đình có liên quan đến ăn tiết canh nhà ông Lê Văn Điều (thôn Đa Cốc, xã Bình Thanh, bố vợ của bệnh nhân Lê Văn Hải), cơ quan chức năng đã tiến hành tổng rà soát đàn lợn và lấy mẫu xét nghiệm đối với đàn lợn quanh khu vực nhà ông Điều để đánh giá tình hình dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn. Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Cùng với việc tổ chức tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn còn lại của 4 hộ sử dụng thịt lợn nhà ông Điều, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở kết hợp với nhân dân tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực. Đến nay, đơn vị đã cấp 22kg hóa chất gồm Iốtđin và Bencoxit phun khử trùng tiêu độc 3 lần tất cả chuồng trại, vườn, ao và nơi công cộng. Trung tâm Y tế huyện cũng cấp 7kg Cloramin B cho địa phương phun sát khuẩn, tiêu độc khu vực xảy ra ổ dịch.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng tránh bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bình Thanh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng bệnh cho nhân dân. Bác sĩ Lê Văn Xuyên, Trạm trưởng Trạm y tế xã cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã tổ chức xuống thôn Đa Cốc tuyên truyền trực tiếp cho người dân tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả, tránh để nhân dân hoang mang và gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, các loại thực phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.

Từ tết Nguyên đán Đinh Dậu tới nay, ngoài trường hợp bệnh nhân Lê Văn Hải, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn tiếp nhận hai trường hợp có biểu hiện bệnh nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhưng người nhà bệnh nhân xin chuyển lên tuyến trên điều trị. Có thể thấy, thói quen ăn tiết canh lợn và các loại thức ăn chưa chín chế biến từ thịt lợn như nem chua, nem chạo… của người dân vẫn còn phổ biến. Chính điều này dẫn đến nguy cơ người dân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn là rất cao. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, đã đến lúc chúng ta phải nói không với tiết canh và các món ăn không chín từ lợn, thực hiện phương châm: ăn chín, uống chín.

" Liên cầu lợn là loại vi khuẩn khu trú ở lợn phổ biến, nó có thể gây ra cho con lợn ốm hoặc không. Liên cầu khuẩn lợn lây sang người qua các con đường: ăn uống hoặc tiếp xúc với vết thương hở. Người bị mắc liên cầu khuẩn lợn sẽ dẫn đến một trong hai bệnh cảnh là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Các biểu hiện lâm sàng khi bị bệnh: sốt cao, đau đầu, nôn mửa và có thể bị tiêu chảy; tiếp đến có ban xuất huyết ở cánh mũi, tai rồi lan toàn thân và bệnh sẽ tiến triển nặng rất nhanh, có nguy cơ dẫn tới tử vong. Vì vậy, để phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, người dân không ăn: thịt lợn ốm, tiết canh sống, nem chua, nem chạo, các thức ăn chưa được nấu chín. Đối với người chăn nuôi và người giết mổ lợn phải sử dụng bảo hộ lao động để không tiếp xúc trực tiếp với lợn tránh lây nhiễm bệnh."

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày