Thứ 2, 05/08/2024, 01:23[GMT+7]

Những điều cần biết về phẩm màu thực phẩm

Thứ 5, 25/08/2011 | 09:55:55
4,370 lượt xem
Từ lâu, thực phẩm có chứa chất màu đã được sử dụng như một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng hiểu về thức ăn có chứa phẩm màu thì không mấy ai để ý.

Hỏi: Những thức ăn có chứa phẩm màu có đảm bảo cho sức khỏe? Nếu ăn trong một thời gian dài thì sẽ có những tác động như thế nào đối với sức khỏe?

Đáp: Các chất màu được cho vào thực phẩm với mục đích tạo cho sản phẩm có màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng, và hầu như chúng không có giá trị về mặt dinh dưỡng . Tuy nhiên có một số chất màu tự nhiên như caroten (cà rốt), lycopene (cà chua), anthocyanin (trong tai bụt giấm, một số trái cây có màu đỏ như dâu tằm…) được xem là những chất có khả năng chống oxy hóa tức có khả năng chống lão hóa và có thể ngăn ngừa được sự phát triển của các khối u. Ngoài ra vitamin B2 cũng có màu vàng. Do đó chúng ta thấy rằng, các thực phẩm có chứa các màu tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

Nhưng ngược lại, đối với phẩm màu hóa học thì nên cẩn thận.  Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn  cho phép thì không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay cả đối với một số phụ gia thực phẩm trong danh mục được cấp phép sử dụng, nếu sử dụng quá mức quy định cũng có thể gây nguy cơ ngộ độc và ung thư.

Như đã trình bày, phẩm màu tổng hợp, thường ít gây ngộ độc cấp tính mà đa số là gây độc do tích lũy từ các liều rất nhỏ. Điều đáng quan tâm là khi bị ngộ độc kiểu này thì khả năng phát hiện rất thấp. Chỉ khi các triệu chứng lâm sàng thể hiện ra thì mới có thể phát hiện ra được, nhưng đến lúc này thì khả năng cứu chữa là rất thấp.

Hỏi: Những loại thức ăn nào thường có chứa phẩm màu? Người tiêu dùng có nên mua thức ăn chế biến sẵn có màu không?

Đáp: Các loại thực phẩm thường sử dụng phẩm màu tổng hợp là các loại mứt, hoa quả đóng hộp, sữa chua, kem hỗn hợp, nước giải khát, tôm đông lạnh, dưa chuột muối, thịt quay, tương ớt, bánh cốm, bánh su sê…

Nếu là sản phẩm công nghiệp được sản xuất bởi một công ty chế biến thực phẩm thì theo quy định trên bao bì, sẽ phải ghi rõ các phụ gia sử dụng, trong đó có các phẩm màu. Qúy vị sẽ thấy có ký hiệu E với ba con số từ 100 đến 199, là ký hiệu của những chất màu thực phẩm được phép sử dụng.

Nếu là các sản phẩm truyền thống như nem chua, các loại bánh như bánh cốm, vịt quay,…không có bao bì hoặc trên bao bì không ghi rõ thành phần và các chất phụ gia thì chúng ta nên cẩn thận. Không nên chọn những sản phẩm có màu sặc sỡ, không được “bình thường”. Chúng ta có thể so sánh những loại nguyên liệu như thế, nếu chế biến ở nhà thì sẽ có màu như thế nào, để biết màu sắc cảu chúng khi mua ở ngoài như vậy có “bình thường”.

Nếu chúng ta biết rõ màu của sản phẩm là màu trích từ màu hạt điều, lá dứa, lá cẩm,…thì không cần ngần ngại.

Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để quan sát và nhận biết một thực phẩm có màu bình thường hay không. Các bà nội trợ cần tập thói quen nhận xét màu thức ăn được chế biến tại nhà, đồng thời tập thói quen đọc thông tin trên bao bì sản phẩm.

Hỏi: Đối với việc chế biến thức ăn ở gia đình, chúng ta có nên sử dụng phẩm màu để tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn không? Nếu có thì các bà nội trợ nên dùng phẩm màu như thế nào cho an toàn?

Đáp: Khi chế biến thức ăn tại gia đình, tốt nhất là không nên sử dụng màu vì bản thân các nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn đã có màu rồi. Còn nếu cần thiết, chị em nên sử dụng các màu tự nhiên có thể tự chiết ra từ hạt điều màu, củ nghệ, củ dền, quả dâu tằm, lá dứa, lá cẩm… Làm như vậy hơi tốn thời gian nhưng sức khỏe gia đình mình sẽ được bảo đảm.

Đối với các nhà sản xuất thực phẩm, dù ở quy mô lớn hay nhỏ thì cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về các loại phẩm màu. Nhất là vì sức khỏe của cộng đồng, chỉ nên sử dụng các chất ổn định màu cho phép, đồng thời sử dụng đúng liều lượng được quy định  trong “Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm“ ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ - BYT, ngày 4/4/1998 của Bộ Trưởng Bộ Y tế. Khi có sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm phải đăng ký và ghi rõ trên nhãn thực phẩm để người tiêu dùng biết.

Trung tâm Truyền thông GDSK Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày