Chủ nhật, 30/06/2024, 23:25[GMT+7]

Nâng chất lượng dân số bắt đầu từ mỗi tế bào xã hội

Thứ 5, 22/12/2011 | 08:26:38
2,362 lượt xem
Chất lượng dân số được hiểu là những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người trong một cộng đồng dân cư. Song theo nhận định của nhiều nhà quản lý, chúng ta đã có một thời kỳ dài chỉ quan tâm đến việc giảm tỷ lệ sinh, ổn định quy mô mà quên mất vấn đề quan trọng đó là nâng chất lượng dân số. Vì vậy, chất lượng dân số Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo các báo cáo đã được công bố, chất lượng dân số Việt Nam đang ở mức rất thấp.  Chỉ số phát triển con người và các chỉ tiêu về chất lượng dân số đứng thứ 108/177 nước được so sánh. Mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên ở mức 72,8 tuổi, song tuổi mạnh khoẻ trung bình của người dân chỉ đạt 66 tuổi, xếp thứ 116/177 nước. Cả nước có hơn 6% dân số là người tàn tật, trong đó khoảng 1,5% bị thiểu năng về trí tuệ và thể lực; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 20,2%; tỷ lệ người suy dinh dưỡng thể thấp còi là 35%. Số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5-3%; tỷ lệ trẻ bị dị tật có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, chưa được phát hiện và điều trị sớm...

Ngoài những hạn chế về thể lực, các chỉ số giáo dục cũng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ nhập học tổng hợp ở các cấp tại Việt Nam đứng thứ 123/177 nước, chỉ có 12% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật… Bên cạnh sự hạn chế về thể lực, trí tuệ, trong đời sống tinh thần, người Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Tệ nạn xã hội gia tăng, đạo đức truyền thống bị mai một, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình diễn biến phức tạp…

Chính vì vậy, nâng chất lượng dân số được coi là mục tiêu hàng đầu trong công  tác dân số hiện nay. Theo đó, các mục tiêu về cải thiện giống nòi, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, giảm số người bị tai nạn dẫn đến tàn tật, phấn đấu tăng thể lực, tuổi thọ và tuổi sống khoẻ mạnh của người dân, nâng cao trí tuệ và cuộc sống tinh thần cho người dân là các mục tiêu cần sớm được triển khai thực hiện. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng chính sách dân số hiệu quả để cải thiện chất lượng dân số Việt Nam. Song làm gì đề cải thiện chất lượng dân số Việt Nam, làm như thế nào và bắt đầu từ đâu? Đây đang là bài toán khó.

Còn nhớ những năm đầu 80, thời kỳ công tác DS-KHHGĐ đang trong giai đoạn cao trào, để tuyên truyền cho việc sinh đẻ kế hoạch, các nhà truyền thông dân số đã đưa ra hình ảnh một quả táo. Nếu chia quả táo làm 4 phần, mỗi miếng táo sẽ nhiều hơn khi chia quả táo làm 5, 6… phần. Vào thời kỳ mà cơm ăn chưa đủ no, bức thông điệp quả táo đã trở thành bài toán dân số dễ hiểu và dễ đi vào lòng người nhất. Gia đình ít con, con cái sẽ được chăm sóc tốt hơn gia đình đông con. Có lẽ chính từ việc đưa ra bài toán đơn giản ấy mà tại Việt Nam, mô hình gia đình 4 người: bố mẹ, hai con đã là mô hình lý tưởng cho đến tận ngày nay, sau hơn 3 thập kỷ. Và điều này là tác động chính dẫn đến kết quả giảm mạnh tỷ lệ sinh tại Việt Nam. Số con trung bình của một bà mẹ đã giảm từ 6 con (vào năm 1960) xuống còn 2 con (vào năm 2010). Từ mỗi gia đình ít con, tốc độ gia tăng dân số Việt Nam đã giảm và giữ ổn định trong nhiều năm nay.

Như vậy, cũng như việc thực hiện mục tiêu giảm sinh, trước hết muốn nâng chất lượng dân số cần phải bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi tế bào xã hội. Nhiều nhà chuyên môn phát biểu nên thay mục tiêu số lượng "mỗi gia đình có 2 con" sang mục tiêu chất lượng: "2 con chất lượng cao" hay "2 con khoẻ mạnh, có giáo dục và được đào tạo". Bởi mỗi người sẽ không thể có một thể chất tốt nếu không được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt từ trong chính gia đình của mình. Các trẻ nhỏ sẽ phải được chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Ngay từ mỗi gia đình phải có những quan tâm, ưu tiên riêng cho đối tượng này.

Cùng với nâng cao thể chất là vấn đề nâng cao trí tuệ. Trẻ em đến tuổi phải được đến trường, công việc học tập là công việc có thể phải thực hiện suốt cả cuộc đời để mỗi người không ngừng nâng cao trí thức, trí tuệ. Khi có tri thức, con người sẽ có định hướng tốt, sẽ có khả năng tiếp nhận và đối phó với nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Song song với thể lực, trí tuệ, đời sống tinh thần là vấn đề không thể bỏ qua. Con người sẽ khó có thể có một đời sống tinh thần tốt khi họ không được sống trong một gia đình không yên ấm, hạnh phúc. Khi không có một đời sống tinh thần tốt, sự phát triển thể lực và nâng cao tri thức sẽ bị tác động xấu. Cả ba mặt thể lực, trí tuệ và tinh thần đều thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau. Vì vậy, chính từ cái nôi gia đình sẽ sản sinh ra những con người khoẻ mạnh cả thể chất và tinh thần. Bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi tế bào xã hội sẽ là bài toán nâng chất lượng dân số. 

      Trần Thu Hương

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày