Thứ 6, 09/05/2025, 13:23[GMT+7]

Diệp hạ châu - "Ngọc trong lá"

Thứ 5, 23/02/2012 | 14:38:27
6,214 lượt xem
Diệp hạ châu hay thường gọi là cây chó đẻ, tên khoa học là Phyllanthus urinaria L., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Là loại cây thảo sống hàng năm hoặc sống dai, gốc cây hóa gỗ, thân cây cứng màu hồng, lá thuôn hay hình bầu dục ngược, cuống rất ngắn. Lá kèm hình tam giác nhọn. Cụm hoa đực mọc ở nách gần phía ngọn, hoa có cuống rất ngắn hoặc không có, đài 6 hình bầu dục ngược, đĩa mật có 6 tuyến, nhị 3 chỉ nhị rất ngắn, dính nhau ở gốc. Hoa cái mọc đơn độc ở phía dưới các cành, dài 6 hình bầu dục mũi mác, đĩa mật hình vòng phân thùy, các vòi nhụy rất ngắn xẻ đôi thành 2 nhánh uốn cong, bầu hình trứng. Quả nang không có cuống, hạt hình 3 cạnh. Cây mọc hoang ở khắp nơi, trong nước cũng như ở các nơi trong các vùng nhiệt đới.

Sở dĩ dân gian gọi là cây chó đẻ bởi vì, theo quan sát của người xưa thì khi con chó cái đẻ bầy con xong thường đi tìm một số lá cây để nhai nuốt, trong đó có loại cây này. Từ đó, cây có thêm tên gọi là cây chó đẻ. Cũng từ quan sát dân gian trên, một nhóm nghiên cứu dược liệu của Lê Võ Định Tường (Học Viện Quân Y - 1990 - 1996) đã thành công với chế phẩm Hepamarin từ Phyllanthus amarus; nhóm nghiên cứu của Trần Danh Việt, Nguyễn Thượng Dong (Viện Dược Liệu) với bột Phyllanthin (2001). Vào năm 1992, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã khám phá tác dụng ức chế sự phát triển HIV-1 của cao lỏng Phyllanthus niruri thông qua sự kìm hãm quá trình nhân lên của virus HIV. Năm 1996, Viện nghiên cứu Dược học Bristol Myezs Squibb cũng đã chiết xuất từ Diệp hạ châu được một hoạt chất có tác dụng này và đặt tên là “Nuruside”. Tác dụng dược lý của cây chó đẻ dùng để điều trị viêm gan, đặc biệt là viêm gan siêu vi B. Kinh nghiệm dân gian truyền lại có thể dùng cây chó đẻ để trị các chứng mụn nhọt, lở loét, đinh râu, rắn cắn, giun. Còn người Ấn Độ dùng cây chó đẻ để chữa bệnh lậu. Theo kinh nghiệm dân gian Malaysia, cây chó đẻ có thể dùng để trị các chứng viêm da, viêm đường tiết niệu, giang mai, viêm âm đạo,... Theo tài liệu của Viện Dược liệu Việt Nam (1987 - 2000) cho thấy khi dùng liều 10 - 50g/kg cây chó đẻ có tác dụng chống viêm cấp trên chuột thí nghiệm.

Theo y học cổ truyền cây chó đẻ có công năng: Thanh can, minh mục, thấm thấp, lợi tiểu. Có thể dùng để điều trị các chứng bệnh ở trẻ con cam tích, phù thủng do viêm thận, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, viêm ruột, tiêu chảy, họng sưng đau. Do tính chất dược dụng của cây chó đẻ, y học cổ truyền đã dùng để điều trị chứng bệnh về gan. Khi gan nhiễm virut viêm gan B (HBV),  các tế bào gan sẽ bị tổn thương, làm cho các hoạt động của gan bị trì trệ, kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn. Các nhà y học và dược học đã chứng minh chất chiết suất từ cây chó đẻ có tác dụng rất tốt đối với bệnh viêm gan siêu vi B. Năm 1988, chế phẩm cây chó đẻ (Diệp hạ châu đắng - Phyllanthus amarus) đã được ứng dụng điều trị cho 37 bệnh nhân viêm gan do vi rút B. Kết quả sau 3 ngày, có 22 bệnh nhân đạt kết quả tốt (âm tính) và chứng minh Diệp hạ châu đắng có chất ức chế men polymeraza AND của vi rút viêm gan B.

Y học cổ truyền còn tìm ra khả năng tác động đến các bệnh đường hô hấp, giảm đau, lợi tiểu,  giảm đường huyết... của cây chó đẻ. Người Ấn Độ sử dụng cây chó đẻ để trị ho, viêm phế quản, hen phế quản, lao,... Tác dụng giảm đau: Kenneth Jones và các nhà nghiên cứu Brazil đã khám phá tác dụng giảm đau mạnh và bền vững của một vài loại Phyllanthus, trong đó có cây Diệp hạ châu (Phyllanthus niruri). Ở Việt Nam, Diệp hạ châu được dùng sớm nhất tại Viện Đông y Hà Nội (1967) trong điều trị xơ gan cổ trướng. Một nghiên cứu của trường Đại học Dược Santa Catarina (Brazil-1984) đã phát hiện một alkaloid của Diệp hạ châu (phyllan thoside) có tác dụng chống co thắt cơ vân và cơ trơn, các nhà khoa học đã nhờ vào điều này để giải thích hiệu quả điều trị sỏi thận, sỏi mật của cây thuốc. Tác dụng giảm đường huyết của Diệp hạ châu (Phyllanthus niruri) đã được kết luận vào năm 1995, đường huyết đã giảm một cách đáng kể trên những bệnh nhân tiểu đường khi cho uống thuốc này trong 10 ngày.

Gần đây, do thông tin cây chó đẻ có tác dụng chữa trị bệnh gan, giải độc và có khả năng chữa tiểu đường... được truyền khẩu nên nhiều người dân đổ xô đi tìm cây thuốc. Sự khai thác ồ ạt, thái quá đã dẫn đến tình trạng cây mọc không kịp. Nên chăng, mọi người có thể tận dụng đất hoang hóa và những mảnh đất thừa ở nơi sinh sống, làm việc có thể gieo trồng được cây chó đẻ tạo nguồn cung cấp thảo dược cứu người bị bệnh gan.

 

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày