Thứ 4, 09/10/2024, 13:25[GMT+7]

Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm việc của mỗi người, mỗi nhà

Thứ 5, 12/04/2012 | 08:13:34
2,257 lượt xem
Theo báo cáo đánh giá về tình hình dịch bệnh của ngành y tế, tại Thái Bình, năm 2011, bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác tại một số địa phương. theo đánh giá của ngành y tế, tình hình dịch bệnh tại Thái Bình so với khu vực và toàn quốc đang ở mức trung bình thấp. Điều này phản ánh công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đang được triển khai khá hiệu quả.

Tiêm vắcxin phòng cúm cho đàn gia cầm nhằm phòng tránh lây lan của dịch bệnh. Ảnh tư liệu

Những năm gần đây, tình hình bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có diễn biến phức tạp trong đó phải kể đến các bệnh dịch mới nổi như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A H5N1, H1N1, rubella, viêm màng não do não mô cầu…

Sốt phát ban do Rubella có ở 50% số xã phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố với hơn 5600 người mắc; 4 trường hợp mắc liên cầu lợn trong đó có 3 ca tử vong; hơn 2000 trẻ mắc thuỷ đậu; hơn 750 trường hợp mắc quai bị; 77 ca mắc viêm não virut; 88 ca mắc sốt xuất huyết; trên 800 trường hợp mắc tay chân miệng… Từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng tiếp tục diễn biến và có xu hướng tăng cao.

Cũng theo đánh giá của ngành y tế, tình hình dịch bệnh tại Thái Bình so với khu vực và toàn quốc đang ở mức trung bình thấp. Điều này phản ánh công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đang được triển khai khá hiệu quả. Thể hiện cụ thể qua ý thức phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng đã có nhiều chuyển biến, biện pháp phòng ngừa bệnh dịch bằng văcxin trên địa bàn tỉnh đang phát huy tốt hiệu quả, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt kết quả cao (thường xuyên đạt 98-99%), nhiều năm không có bệnh nhân mắc bệnh. Hoạt động giám sát, phát hiện dịch được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn. 100% các loại bệnh dịch xuất hiện tại các huyện, thành phố trong tỉnh thời gian qua đều được giám sát, phát hiện kịp thời. Công tác khống chế, xử lý ổ dịch được thực hiện tốt, mặc dù có xuất hiện song các vụ dịch chủ yếu diễn ra nhỏ, lẻ, không có dịch lan rộng, các trường hợp mắc đều được thu dung điều trị, số tử vong thấp…

"Sự can thiệp các hoạt động phòng chống dịch đã làm giảm số ổ dịch, số mắc. Tuy nhiên, do tình hình bệnh dịch có trên diện rộng nên chúng ta vẫn chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch", đó là khẳng định của ngành y tế. Bệnh dịch vẫn có xu hướng phát triển và gia tăng bởi các loại virut đang tràn ngập trong không gian sống của chúng ta. Ví dụ điển hình với bệnh tay chân miệng, theo đánh giá của Trung tâm y tế dự phòng, tại nhiều vùng, vi khuẩn gây bệnh phát hiện trong phân trẻ chiếm tới 50-70%. Bởi tính chất dễ lây nhiễm nên các bệnh truyền nhiễm đang tấn công vào trường học và các doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy hệ thống các doanh nghiệp ít quan tâm đến sức khoẻ người lao động, thiếu hợp tác với ngành chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch, y tế doanh nghiệp còn rất yếu kém. Tại trường học đặc biệt là hệ thống các trường ở nông thôn, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tình trạng thiếu nước sạch, nhà tiêu chưa bảo đảm vệ sinh đang là một trong những nguy cơ dẫn đến khởi phát dịch bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho công tác y tế trường học đang yếu và thiếu càng gây thêm những khó khăn trong công tác phòng chống dịch tại đây. Không chỉ có trường học và doanh nghiệp, cả cộng đồng cũng đang đứng trước sự đe dọa tấn công của các bệnh truyền nhiễm bởi điều kiện vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường tại những nơi tụ họp đông người như chợ, trường học, bệnh viện đang có nhiều bất cập, việc "ăn sạch, uống sạch" chưa thực sự trở thành thói quen của nhiều gia đình, người dân.  "Giảm số mắc và số tử vong" là hai mục tiêu cơ bản được đặt ra.

Là ngành chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như thực hiện tốt công tác tiêm chủng phòng bệnh, duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến, đặc biệt tăng cường phối hợp giữa cơ sở dự phòng và khám chữa bệnh để giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời, xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để, ngành y tế còn xây dựng kế hoạch cho một chương trình phòng chống dịch lâu dài như thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng chống thích hợp, tổ chức kiểm dịch y tế thông qua việc kiểm tra, giám sát của xử lý y tế tại cửa khẩu Diêm Điền ngăn chặn không cho các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhập, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý bệnh truyền nhiễm…

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay vẫn là ý thức chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh của mỗi cá nhân và ngay từ mỗi gia đình. "Sẽ không có sự giám sát, phát hiện bệnh nào tốt và hiệu quả hơn sự giám sát ngay từ chính gia đình của mình", đó là lời khuyên của các nhà chuyên môn gửi đến cộng đồng. Thêm vào đó, công tác phòng chống dịch cũng rất cần sự phối hợp của các ngành, đơn vị và sự quan tâm chỉ đạo của các nhà lãnh đạo các cấp.

       Trần Thu Hương


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày