Thứ 6, 09/08/2024, 03:22[GMT+7]

Làm thế nào để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ?

Thứ 3, 24/04/2012 | 10:21:51
1,572 lượt xem
Suy dinh dưỡng là hậu quả của một thời gian dài trẻ không được ăn đầy đủ thức ăn cấu tạo cơ thể, đó là chất protein (là chất có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, lươn, ốc, ếch...). Bệnh thường gặp ở những trẻ trong giai đoạn cai sữa mẹ, hoặc giai đoạn trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm) bằng những thức ăn bằng gạo, ngô, đường... mà thiếu đi loại thức ăn có chứa protein

Ảnh minh họa

Triệu chứng:
- Bé chậm tăng cân, dứng cân hoặc sụt cân. Bên cạnh đó, trẻ suy dinh dưỡng thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
- Bé hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Các bắp thịt nhão, bụng to dần. Trẻ chậm phát triển vận động: Chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng.

Nguyên nhân: 
-  Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá đáng khi trẻ bệnh.
-  Trẻ biếng ăn. Có nhiều lý do như:
+ Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Khi bệnh, trẻ thường biếng ăn. Những kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn thường trú có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.
+  Chế biến thức ăn không hợp khẩu vị và lứa tuổi của trẻ.
+  Cách chăm sóc trẻ không phù hợp (quá căng thẳng dẫn đến biếng ăn tâm lý).
- Trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo, không có đủ thực phẩm để ăn.
- Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán,...
-  Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.

Cách phòng chống
 Trong thời gian mang thai, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cuối thai kỳ phải tăng ít nhất 8 – 10kg, tránh bị lây nhiễm các bệnh cấp tính, nhất là các bệnh do vi rut gây ra.
- Trong 6 tháng đầu thì sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất, nhưng nếu thiếu sữa hay mất sữa thì cần dùng các sản phẩm sữa thay thế phù hợp với lứa tuổi.
- Trẻ nằm trong độ tuổi từ 6 – 12 tháng cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do đây là thời kỳ có nhu cầu dinh ưỡng cao, rất cần cho sự thích ứng với môi trường. Trong thời kỳ này, ngoài bú mẹ trẻ cần được bổ sung thêm bột. Chế độ dinh dưỡng trong một bữa ăn phải đầy đủ các thành phần tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Theo dõi sát chế độ ăn của trẻ: xem trẻ có ăn hết suất và đủ bữa không để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng và kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
  - Quan sát sự phát triển vận động của trẻ xem có bình thường (lật, ngồi, đứng chựng, đi... có đúng với lứa tuổi).
- Thường xuyên đưa trẻ đến cơ quan y tế để cân, đo chiều cao mỗi 1-2 tháng, điều này giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao của trẻ.
- Xem trẻ có thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng không: Bệnh sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp cũng nằm trong nhóm mắc bệnh suy dinh dưỡng cao..
 Việc điều trị đúng nguyên nhân và tích cực ngay từ đầu sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh, bắt kịp đà tăng trưởng với các trẻ cùng lứa tuổi.

Trung tâm TT - GDSK Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày