Thứ 3, 06/08/2024, 17:17[GMT+7]

Thái Bình Thực hiện thành công chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi

Thứ 3, 24/04/2012 | 16:00:24
1,302 lượt xem
Nhiều năm qua, ngành Y tế Thái Bình đã triển khai có kết quả các hoạt động như: duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 90%: đưa chương trình tiêm vắc xin sởi mũi 2 vào lịch tiêm chủng thường xuyên. Các hoạt động đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi trong toàn tỉnh từ 18 người mắc sởi/ 100.000 dân vào năm 2001 xuống còn 1,06/ 100.000 dân vào năm 2011.

Thái Bình có hơn 386 nghìn đối tượng cần phải bổ sung vắc xin sởi.

Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, dịch tễ học về bệnh sởi có nhiều thay đổi, bệnh sởi xuất hiện ở cả nhóm người trên 15 tuổi. Năm 2011, Thái Bình đã có 1.389 ca/ 86 xã phường thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trong đó 85% số ca ở độ tuổi 15- 29.

Để ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát dịch sởi, Sở Y tế Thái Bình đã có kế hoạch cụ thể vào cuộc nhằm khống chế tới mức thấp nhất bệnh lây lan rộng, cùng với việc tiêm vắc xin phòng sởi thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm và triển khai có hiệu quả tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2 cho đối tượng từ 9 tháng đến 10 tuổi, người mắc sởi ở độ tuổi trên đã giảm xuống rõ rệt. Điều đáng lo ngại là vấn đề chất lượng của dịch vụ tiêm chủng tuyến cơ sở, đồng thời xu hướng mắc sởi ở những đối tượng lớn tuổi ngoài độ tuổi tiêm chủng ngày một gia tăng. Vì vậy, Sở Y tế Thái Bình, triển khai chiến dịch tiêm văc xin sởi bổ sung cho đối tượng từ 0 - 20 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua điều tra, năm 2011, Thái Bình có hơn 386 nghìn đối tượng cần phải bổ sung vắc xin sởi. Nhưng để thực hiện thành công chiến dịch trên cần kêu goi sự vào cuộc của các cấp các ngành và cả mạng lưới nhân viên toàn ngành y tế. Vì vậy ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành liên quan như giáo dục, văn hóa, bộ đội, công an điều tra chi tiết số lượng đối tượng để dự trù đầy đủ vật tư, thiết bị và tập huấn cho nhân lực tham gia chiến dich. Tổ chức hơn 200 lớp tập huấn cho 5.600 cán bộ thuộc các đơn vị từ tuyến tỉnh đến xã phường thị trấn. Công tác điều tra đối tượng được thực hiện theo phương pháp, đối tượng là học sinh, học viên do giáo viên chủ nhiệm điều tra, theo từng lớp học, đối tượng trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị quân đội, công an... do cán bộ y tế tại địa bàn phối hợp cùng các cơ quan đơn vị điều tra.

Đối tượng tại cộng đồng do cán bộ y tế tại địa bàn phối hợp cùng lực lượng y tế thôn xã, cộng tác viên dân số , trưởng các thôn xã phối hợp điều tra. 100% huyện, thị xã phường đều có có bản đồ triển khai chiến dịch để bảo đảm nguyên tắc tổ chức thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Tại tỉnh chiến dịch chia thành 3 đợt, cấp huyện 2-3 đợt, mỗi đợt 7- 8 xã, thị trấn. Cấp xã duy trì 1 điểm tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã, các điểm lưu động bố trí trong trường học, cơ quan, đơn vị. Công tác truyền thông cũng được tiến hành bằng mọi hình thức, trên đài truyền hình tỉnh báo viết, đài huyện, xã phường, truyền thông trực tiếp tại các chợ đầu mối, trường học treo băng rôn, áp phích cổ động hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh sởi xuống tại điểm tiêm chủng. Các đối tượng tiêm được phát giấy mời đến tận tay và được y tế thôn chỉ dẫn cụ thể về thời gian và địa điểm tiêm chủng ngay tại trạm y tế xã.

Từ việc xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai đồng bộ trong toàn mạng lưới năm 2011, ngành Y tế Thái Bình đã tổ chức được hơn 600 điểm tiêm chủng tại 268 xã phường thị trấn. Các địa phương được bố trí điểm tiêm chủng hợp lý đúng quy định, 100% các điểm tiêm chủng đều treo dán các áp phích, băng rôn, hướng dẫn tiêm văc xin phòng bệnh sởi. Mỗi điểm tiêm chủng đều đảm bảo tối thiểu 4 cán bộ được tập huấn về kỹ năng tiêm chủng trực tiếp thực hiện và có các thành viện ban chỉ đạo Chiến dịch tuyến xã tham gia tuyên truyền và phục vụ hậu cần. Công tác vận chuyển bảo quản và sử dụng vắc xin tại các tuyến được chú trọng ngay từ đầu nhằm đảo bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng thông qua hệ thống dây truyền lạnh bao gồm tủ đá, tủ bảo quản, hòm lạnh, phích bảo quản cho hơn 400.000 liều vắc xin và 410.000 bơm kim tiêm các loại. Công tác chống sốc cũng được chuẩn bị đầy đủ bằng phương thức tập huấn chống sốc cho 100% cán bộ tham gia tiêm chủng, 100% các điểm tiêm đều bố trí cán bộ khám phân loại. Qua đó đã kịp thời phân lọai được hơn 3.000 đối tượng thuộc chống chỉ định tiêm.

Với tổng nhân lực huy động tham gia toàn chiến dịch là  hơn 10.000 người nên chỉ sau 26 ngày thực hiện (tổng số ngày thực hiện cả năm), chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi bổ sung tại tại tỉnh đã có 314.000/ 386.000 đối tượng trong độ tuổi được tiêm văc xin phòng bệnh sởi đạt 95, 7% và 1.213 đối tượng lai vãng được tiêm. Sau mỗi chiến dịch, Sở Y tế cũng tổ chức đánh giá hoạt động rà soát đối tượng cần được tiêm vét của từng đơn vị đã được thực hiện triệt để và lên kế hoạch tiếp tục thực hiện, đảm bảo 100% đối tượng trong độ tuổi được tiêm văc xin sởi bổ sung.

Từ chiến dịch tiêm văc xin sởi bổ sung tại tỉnh ta cho thấy xã hội hóa công tác y tế ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Thái Bình đã phát huy tốt vai trò chỉ đạo và huy động nguồn nhân lực tại chỗ, sự thống nhất cao gĩưa các chính quyền, ban ngành địa phương với ngành Y tế Thái Bình ngay từ bước lập kế hoạch đến khi tổ chức thực hiện. Điều đó làm nên sự thắng lợi của chiến dịch trong việc phòng bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân.

        Hồng Tươi
(Trung tâm TT- GDSK Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày